03/12/2021 - 07:55

Châu Phi khó bao phủ vaccine 

Việc phát hiện biến thể Omicron ở châu Phi báo hiệu giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: phải có thêm nhiều người được chủng ngừa tại các nước nghèo và khan hiếm vaccine để ngăn chặn những biến thể mới xuất hiện. Những tưởng đó chỉ là vấn đề thiếu vaccine và hệ thống y tế yếu kém, nhưng thực tế tại Nam Phi phơi bày thách thức còn lớn hơn: tâm lý e ngại vaccine trong dân chúng.

Một cuộc biểu tình phản đối tiêm vaccine ở Nam Phi hồi tháng 10-2021. Ảnh: Reuters

Giống như đa số nước nghèo, Nam Phi đã phải chờ trong nhiều tháng để có được vaccine vì “sự độc quyền” của các quốc gia giàu. Nhưng rồi khi vaccine về với số lượng lớn hơn, khó khăn vẫn chưa chịu buông tha. Cơ sở hạ tầng y tế công cộng “thiếu trước hụt sau” đã làm chậm quá trình chuyển giao vaccine, đặc biệt tới những vùng nông thôn mà vấn đề thiếu hụt thiết bị bảo quản và nhân viên là khá phổ biến.

Ðáng nói, ở một số nước châu Phi hiện nay, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy thái độ hoài nghi vaccine có thể nghiêm trọng hơn so với dự kiến, thậm chí trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh. Sự ngờ vực sâu sắc đối với chính phủ các nước và giới chức y tế, nhất là trong những cộng đồng ở nông thôn, đang làm trì hoãn chiến dịch tiêm vaccine đại trà.

Chỉ vài ngay trước khi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu, giới chức y tế Nam Phi đã từ chối nhận lô vaccine của các hãng dược Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson do lo ngại 16 triệu liều trong nước có thể bị hư hỏng bởi nhu cầu tiêm quá thấp. Tương tự, Namibia, Zimbabwe, Mozambique và Malawi cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất và những nước tài trợ vaccine tạm ngừng gửi thêm hàng bởi những nước này không thể sử dụng chúng. Ðến nay, châu Phi mới tiêm phòng đầy đủ cho 77 triệu người, tương đương 6% dân số.

Các yếu tố như dân chúng hoài nghi và công tác phân phối vaccine không đồng đều có thể làm gia tăng tâm lý lưỡng lự tiêm vaccine ở bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, những vấn đề này thường phổ biến và có ảnh hưởng sâu sắc hơn ở những nước nghèo trong đại dịch, bởi nói như Tiến sĩ Saad Omer tại Ðại học Yale (Mỹ), gần như không có sự đầu tư vào giáo dục hoặc quảng bá vaccine ở những quốc gia có thu nhập thấp.

Covid Comms, một tổ chức phi lợi nhuận của Nam Phi, đã tổ chức những buổi tuyên truyền về vaccine, nhưng đánh bại chủ nghĩa hoài nghi là điều không dễ. Bằng chứng là sau một buổi tuyên truyền ở thị trấn Atteridgeville, có người vẫn không tin COVID-19 là có thật. Số khác thì từ chối vaccine vì sợ tác dụng phụ. Thông tin tình trạng máu đông hiếm gặp từng khiến Nam Phi hoãn tiêm vaccine Johnson & Johnson cho các nhân viên y tế, nhưng chiến dịch đã được nối lại sau khi có kết luận vaccine an toàn.

Số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi tăng mạnh

Ngày 1-12, giới chức Nam Phi cho biết trong những ngày gần đây, biến thể Omicron đã làm tăng mạnh số ca mắc COVID-19 ở nước này và gọi tình hình dịch bệnh hiện này là “đáng lo ngại”.

Theo bà Michelle Groome, quan chức của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi (NICD), trong hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng mạnh, từ mức trung bình theo tuần là khoảng 300 ca mắc mới/ngày lên tới 1.000 ca/ngày trong tuần trước và lên tới gần 3.500 ca/ngày trong tuần gần đây nhất.

Trong thông báo cập nhật tối 1-12, NICD cho biết Nam Phi ghi nhận thêm 8.561 ca mắc mới trên toàn quốc trong 24 giờ qua, tăng so với gần 4.400 ca của ngày 30-11 và 2.300 ca trong ngày 29-11.Theo bà Groome, những con số này báo hiệu “giai đoạn đầu của làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4” ở nước này.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên phát hiện biến thể Omicron và đã thông báo ca đầu tiên nhiễm biến thể này lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 25-11.

Anh đặt mua thêm 114 triệu liều vaccine để tiêm mũi tăng cường

Chính phủ Anh ngày 1-12 thông báo đã đặt mua thêm 114 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và Moderna để tiêm mũi tăng cường cho người dân trong 2 năm tới.

Các đơn hàng, gồm 60 triệu liều vaccine của Moderna và 54 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, được Anh đặt bổ sung sau khi xuất hiện biến thể Omicron. Anh đặt mục tiêu trong 2 tháng tới sẽ tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Trước đó, nước này đã mở rộng diện đối tượng đủ tiêu chuẩn và rút ngắn khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 2 và mũi tiêm thứ 3 xuống còn 3 tháng (so với 6 tháng theo khuyến cáo ban đầu).

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid khẳng định vaccine là “vũ khí tối ưu” để ngăn chặn SARS-CoV-2 và các biến thể. Ông cũng cho biết đến nay Anh đã thực hiện hơn 115 triệu mũi tiêm, bao gồm cả mũi tăng cường.

Hiện 80% dân số trên 12 tuổi ở Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 30% đã tiêm mũi tăng cường.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết