10/07/2019 - 18:26

Châu Âu nỗ lực cứu JCPOA 

Ngày 9-7, Pháp cử cố vấn ngoại giao cấp cao đến Iran để thúc giục nước này thu hẹp các hoạt động làm giàu uranium, còn Liên minh châu Âu (EU) thì kêu gọi Cộng hòa Hồi giáo quay trở lại tuân thủ các điều khoản trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cố vấn Bonne (phải) đang có mặt tại Tehran. Ảnh: AFP

Trong chuyến công cán đến Iran lần thứ hai trong vòng một tháng qua,  Emmanuel Bonne- cố vấn ngoại giao cấp cao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron- được giao nhiệm vụ “tạo ra các yếu tố giúp giảm bớt căng thẳng”. Trong cuộc gặp với các quan chức nước chủ nhà, bao gồm Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ali Shamkhani, ông Bonne tìm cách để Iran thể hiện sự nghiêm túc về việc ở lại JCPOA. Đáp lại, hôm qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hoan nghênh nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân của Pháp. Theo các chuyên gia, việc phái ông Bonne đến Tehran cũng nói lên rằng Paris đang muốn dẫn đầu nỗ lực ngoại giao của châu Âu trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Iran và Mỹ.

JCPOA được ký năm 2015 giữa Tehran và 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức, với điều khoản yêu cầu Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi văn kiện lịch sử hồi tháng 5-2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Tehran gần đây bắt đầu làm giàu uranium lên cấp độ cao hơn, làm dấy lên lo ngại JCPOA có thể đổ vỡ. Nếu văn kiện lịch sử này sụp đổ và Iran tiếp tục làm giàu uranium lên tới độ tinh khiết để có thể sử dụng trong việc phát triển vũ khí, các nhà ngoại giao nhận thấy nguy cơ cao xảy ra xung đột tại Trung Đông, trong đó có sự tham gia của Mỹ và đồng minh Israel. Trong chuyến thị sát tại một căn cứ quân sự vào ngày 9-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng cảnh báo các tiêm kích F-35 của nước này có khả năng tấn công mọi mục tiêu trong lãnh thổ Iran.

Đáp lại, hôm 10-7, Bộ trưởng Văn hóa và Xã hội Iran Hossein Nejat cảnh báo rằng nước này có thể “xóa sổ” các tàu sân bay Mỹ ở vùng Vịnh nếu bị Washington tấn công. “Các căn cứ Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa của chúng tôi. Các tên lửa này sẽ nhấn chìm hàng không mẫu hạm nếu Mỹ phạm sai lầm”- Nejat nêu rõ.

► Áp lực đè nặng EU

Trong bối cảnh trên, EU phải tìm cách “câu giờ” và hạ nhiệt căng thẳng liên quan các hoạt động hạt nhân của Iran. Anh, Pháp và Đức- còn gọi là nhóm E3- một mặt kêu gọi các bên tham gia JCPOA phải hành động có trách nhiệm nhằm xoa dịu căng thẳng, mặt khác đề xuất đối thoại. Ngoại trưởng các nước E3 cùng Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini vừa ra tuyên bố chung hối thúc Tehran đảo ngược các hoạt động làm giàu uranium hiện nay và trở lại tuân thủ JCPOA một cách đầy đủ và ngay lập tức. Theo giới phân tích, nỗ lực của “Lục địa già” nhắm vào hai mục đích. Đó là thuyết phục Iran ngưng làm giàu uranium, rồi quay sang yêu cầu Tổng thống Trump đình lại một số biện pháp trừng phạt kinh tế mà ông áp đặt lên Tehran.

Iran xác nhận đã làm giàu uranium lên 4,5%, vượt mức cho phép 3,67% trong JCPOA, đồng thời dọa sẽ tiếp tục làm giàu lên 20% hoặc tái khởi động các máy ly tâm nếu châu Âu không có biện pháp bảo vệ nền kinh tế nước này trước sức ép của Mỹ. Mặc dù phía Tehran khẳng định làm giàu uranium vì “mục đích hòa bình”, song phương Tây quan ngại đây là bước trung gian trước khi đạt cấp độ tinh khiết 90% cần thiết để chế tạo bom hạt nhân.

► Mỹ xúc tiến lập liên quân trên tuyến hàng hải quốc tếở Vùng Vịnh

Trong khi đó, Mỹ hy vọng trong hai tuần tới có thể lên một danh sách gồm các nước đồng minh hoặc thành lập một liên quân quốc tế nhằm bảo vệ tuyến đường biển chiến lược đi qua lãnh hải của Iran và Yemen - khu vực xảy ra các vụ tấn công mà Washington cho là do Iran và các tay súng ủng hộ Tehran thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford đã công bố kế hoạch trên ngày 9-7 sau cuộc gặp quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper  và Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Theo kế hoạch được công bố chi tiết với báo giới, Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cung cấp các tàu chỉ huy và đi đầu trong hoạt động giám sát trong lực lượng liên minh được thành lập. Trong khi đó, các nước thành viên còn lại thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại vùng biển triển khai tàu chỉ huy của Mỹ và hộ tống các tàu thương mại mang cờ của chính các nước đó.

Để thực hiện kế hoạch này, Tướng Dunford cho biết Mỹ đang thảo luận với một loạt các nước về việc xem xét thành lập liên quân đảm bảo an toàn hàng hải ở Eo biển Hormuz và Biển Bab An Mandab. Giới chức Washington sẽ trực tiếp thảo luận với quân đội của các nước nhằm xác định các hoạt động cụ thể đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại vùng biển chiến lược này. 

THANH BÌNH (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Châu ÂuJCPOA