01/07/2012 - 19:13

Chân trong chân ngoài

Thủ tướng Anh David Cameron trước sức ép của các nghị sĩ cùng phe đảng Bảo thủ đã cho biết ông sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). Viết trên tờ Sunday Telegraph xuất hiện trên mạng điện tử tối 30-6, Thủ tướng Cameron giải thích ông tin rằng “phần lớn người dân Anh như tôi muốn có sự thay đổi trong mối quan hệ hiện nay giữa Luân Đôn và Brussels”. Sự thay đổi đáng mong muốn nhất, theo ông Cameron, là nước Anh “cần có một vị thế khác biệt, uyển chuyển hơn và ít nặng nề trong EU”.

Tuy không nói rõ khi nào sẽ tổ chức và câu hỏi trưng cầu dân ý là gì, nhưng ông Cameron cho rằng nước Anh đang có nguy cơ “bị che khuất” bởi bộ máy quyền lực và quy định của EU, rằng những cải cách căn cơ trong chương trình nghị sự hiện nay của EU sẽ đe dọa đến chủ quyền vốn đòi hỏi “sự ủng hộ đồng tâm của dân chúng”. Cụ thể, theo tờ Guardian và hãng tin Reuters của Anh, ông Cameron lo ngại các nước EU khác đang thúc đẩy thành lập một liên minh tài khóa, kinh tế và chính trị trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ của Khu vực đồng euro (Eurozone), điều mà giới lãnh đạo bảo thủ và phe hoài nghi đồng tiền chung châu Âu tại nước Anh cho là sẽ có sự chuyển giao chủ quyền quan trọng từ Luân Đôn sang Brussels.

Thật ra, sau hội nghị thượng đỉnh của EU hôm 29-6, ông Cameron chỉ tuyên bố nước Anh quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình trong một EU hội nhập gần gũi hơn, đồng thời nhấn mạnh việc trưng cầu dân ý không phải là sự lựa chọn thích hợp khi mà đa số người dân Anh hiện chỉ muốn thay đổi vị trí quan hệ chứ không phải rời khỏi EU. Đây là tuyên bố nhằm bác bỏ lá thư trước đó của gần 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ yêu cầu ông Cameron phải chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai quan hệ của nước Anh trong EU trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 2015. Thế nhưng, ông Cameron đã vội thay đổi lập trường khi cựu Ngoại trưởng Liam Fox cho biết ông đang chuẩn bị phát biểu trước các nghị sĩ Bảo thủ, trong đó ông sẽ khẳng định việc đàm phán lại mối quan hệ giữa Anh và EU là cần thiết, bởi “cuộc sống bên ngoài EU không phải là một thảm họa”. Ông Cameron có lẽ sợ vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ của mình không được đảm bảo và chiếc ghế thủ tướng theo đó sẽ bay theo. Và ông đành tuyên bố: “Đối với tôi, hai chữ “châu Âu” và “trưng cầu dân ý” có thể song hành cùng nhau”.

Nước Anh và châu Âu trong lịch sử quá khứ khá dài đã trải qua những bất đồng và xung đột không mấy dễ chịu. Cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle hồi những năm 1960 từng phải từ chối cho phép Anh gia nhập Thị trường chung châu Âu, tiền thân của EU hiện nay. Các đời thủ tướng đảng Bảo thủ như Ted Heath, “bà đầm thép” Margaret Thatcher và ông John Major suốt những năm 70, 80 và 90 cũng hục hặc với EU. Hồi tháng 12 năm ngoái, chính ông Cameron đã gây căng thẳng trong EU khi từ chối ký hiệp ước tài chính bắt buộc các nước phải tuân thủ mức chi tiêu ngân sách. Hiện nay, Anh cũng đứng ngoài 17 nước thành viên Eurozone và không tham gia hiệp ước miễn thị thực nhập cảnh Schengen gồm 25 nước thành viên khắp châu Âu.

Dù EU là đối tác thương mại lớn nhất của mình, nhưng nước Anh vẫn còn giữ khoảng cách lớn trong quan hệ, thậm chí ít gần gũi hơn so với “đồng minh đặc biệt” Mỹ. Vị trí của Anh trong EU có thể được ví von như “chân trong chân ngoài”.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết