14/07/2024 - 08:38

Chân rết Al-Qaeda trở lại khắp nơi 

Nhiều người tin rằng mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã bị đánh bại nhưng lực lượng này được cho đang “trở lại” khi thay đổi chiến lược và lập ra nhiều chi nhánh trên khắp Trung Đông, châu Phi và Afghanistan.

Bản đồ hiển thị sự hiện diện của al-Qaeda tại Afghanistan. Ảnh: Long War Journal

Đáng chú ý nhất có lẽ là chi nhánh al-Qaeda đang hoạt động tại Afghanistan. Tờ Long War Journal dẫn báo cáo của Nhóm Giám sát Trừng phạt và Hỗ trợ Phân tích của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, các chân rết al-Qaeda đang điều hành các trại huấn luyện ở 12 trong số 34 tỉnh của Afghanistan và vẫn xem Afghanistan như là thiên đường dù “Taliban đã nỗ lực hạn chế hoạt động của al-Qaeda và các chi nhánh của chúng”.

Không những vậy, al-Qaeda còn xây dựng những ngôi nhà an toàn ở các tỉnh Farah, Helmand và Herat; nhiều trường học tôn giáo ở các tỉnh Laghman, Kunar, Nangarhar, Nuristan và Parwan; một trung tâm điều hành truyền thông và một kho chứa vũ khí ở tỉnh Panjshir. Trong đó, những ngôi nhà an toàn được al-Qaeda sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các thành viên lực lượng này giữa Afghanistan và Iran.

Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng khủng bố ở Afghanistan, các thủ lĩnh của al-Qaeda còn phục vụ trong chính quyền Taliban. Taliban thậm chí cấp hộ chiếu và thẻ căn cước cho các thành viên al-Qaeda; sử dụng các sổ tay huấn luyện của al-Qaeda trong công tác huấn luyện quốc phòng.

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, chiến lược gia quân sự Sayf-al’Adl của al-Qaeda đã kêu gọi các chiến binh thánh chiến trên toàn cầu đổ xô tới Afghanistan để được huấn luyện, truyền tải kinh nghiệm và kiến thức trước khi thực hiện các cuộc tấn công chống lại cái gọi là “Chủ nghĩa phục quốc Do Thái” và các mục tiêu trên khắp thế giới.

Song song đó, al-Qaeda cũng lập ra nhiều chi nhánh trên khắp Trung Đông và châu Phi. Đơn cử, nhánh Jamaat Al Nusra Wal Muslimin (JNIM) của al-Qaeda ở Mali hiện đang mở rộng hoạt động sang Burkina Faso, Togo và Benin, thực hiện hàng trăm cuộc tấn công hàng năm. Trong khi đó, Al-Shabaab, nhánh của al-Qaeda tại Somalia, hiện mở rộng hoạt động ở Kenya và Ethiopia. Mặt khác, al-Qaeda còn duy trì các thành trì ở Trung Đông thông qua các nhánh như Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ở Syria hay al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) tại Yemen.

Thời gian gần đây, các chi nhánh của al-Qaeda sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau trong các cuộc tấn công như đánh bom, bắn súng hay đặt thiết bị nổ cải tiến. Các loại vũ khí phổ biến nhất mà chúng sử dụng trong giai đoạn từ tháng 1-2018 đến tháng 4-2024 là thiết bị nổ cải tiến, súng ngắn, chất nổ, súng cối, vũ khí cỡ nhỏ và thậm chí là tên lửa. Nạn nhân chính mà al-Qaeda và các chi nhánh nhắm tới là dân thường, quân đội hoặc các lực lượng vũ trang. Thống kê cho thấy, chỉ trong quý I năm nay, AQAP và HTS là thủ phạm gây ra 99 vụ tấn công, lấy đi sinh mạng của 25 người ở Yemen và 47 người ở Syria.

Vào tháng 2 năm nay, một nhóm liên kết với al-Qaeda đã thông báo sẽ bắt đầu tổ chức các hội thảo  trực tuyến về trí tuệ nhân tạo (AI). Sau đó, nhóm này đã phát hành một hướng dẫn về cách sử dụng chatbot AI nhằm truyên tuyền khủng bố. Đầu tháng 7, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã bắt giữ 9 thanh niên vì chia sẻ tài liệu tuyên truyền ca ngợi nhóm IS, trong đó có một đối tượng được mô tả là tập trung vào “nội dung đa phương tiện cực đoan, sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa chuyên dụng được hỗ trợ bởi AI”. Moustafa Ayad, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á tại Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), cho biết: “Cả al-Qaeda và IS đều đang sử dụng AI như một công cụ bổ sung cho hoạt động tuyên truyền chính thức”.

Để đạt được mục tiêu “chiêu binh mãi mã”, al-Qaeda sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp đáng lo ngại nhất là gây ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các thành viên của al-Qaeda khai thác các kênh và sử dụng nhiều phương tiện truyền thông như đài phát thanh, kênh truyền hình, trang web hay áp phích để truyền bá ảnh hưởng và tư tưởng của chúng. Trong đó, các nội dung về thánh chiến, đặc biệt là những nội dung chứa thông điệp “tử vì đạo” hoặc “chống phương Tây”, gây ra hiệu ứng tâm lý và thao túng những kẻ cực đoan, từ đó giúp al-Qaeda dễ dàng thu hút thêm tín đồ.

Trong khi đó, chiến lược nhận tài trợ của al-Qaeda giống với chiến lược của các nhóm thánh chiến khác ở Trung Đông. Phần lớn nguồn tài chính của lực lượng này đến từ sự “quyên góp” và đóng góp từ những người ủng hộ. Al-Qaeda cũng tạo ra doanh thu từ các hoạt động tội phạm khác như buôn bán người và ma túy, đánh thuế bất hợp pháp, đầu tư và tống tiền. Ngoài ra, chúng còn khai thác các quỹ từ thiện để tăng doanh thu.

Bên cạnh al-Qaeda, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác cũng đang có dấu hiệu hồi sinh ở Trung Đông, Tây Phi và vùng Sahel.  Trong đó, Tây Phi và vùng Sahel với các nước như Burkina Faso, Mali và Niger được đánh giá là trung tâm mới của khủng bố quốc tế.

Vào tháng 2 năm nay, một nhóm liên kết với al-Qaeda đã thông báo sẽ bắt đầu tổ chức các hội thảo  trực tuyến về trí tuệ nhân tạo (AI). Sau đó, nhóm này đã phát hành một hướng dẫn về cách sử dụng chatbot AI nhằm truyên tuyền khủng bố. Ðầu tháng 7, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã bắt giữ 9 thanh niên vì chia sẻ tài liệu tuyên truyền ca ngợi nhóm IS, trong đó có một đối tượng được mô tả là tập trung vào “nội dung đa phương tiện cực đoan, sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa chuyên dụng được hỗ trợ bởi AI”. Moustafa Ayad, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi, Trung Ðông và châu Á tại Viện Ðối thoại Chiến lược (ISD) có trụ sở tại Luân Ðôn (Anh), cho biết: “Cả al-Qaeda và IS đều đang sử dụng AI như một công cụ bổ sung cho hoạt động tuyên truyền chính thức”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết