01/10/2011 - 14:31

Chăm sóc và phát huy nguồn lực người cao tuổi ở nước ta

* NGUYỄN ĐÌNH CỬ
GS, TS, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội,
Đại học Kinh tế quốc dân

Pháp luật Việt Nam quy định những người từ đủ 60 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi. Nhiều nước phát triển đã lấy tiêu chuẩn người cao tuổi là 65 tuổi. Người cao tuổi là một bộ phận lớn, có nhiều đặc trưng chung của tổng thể dân số nhưng cũng mang nhiều nét đặc thù. Để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích là nhiệm vụ của cả nhà nước, gia đình và cộng đồng xã hội.

Già hóa dân số - một trong những xu hướng nhân khẩu học nổi bật nhất của thế kỷ XXI

Bác sĩ tình nguyện Bệnh viện Đa khoa Trung ương khám cấp thuốc cho người già neo đơn ở quận Bình Thủy. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Do dân số ngày càng tăng, tuổi thọ ngày càng cao, tỷ lệ sinh đẻ ngày càng giảm nên số người cao tuổi (NCT) trên thế giới ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu ở bảng 1 dưới đây cho thấy, sau 50 năm (1950 - 2000), dân số thế giới đã tăng khoảng 2,43 lần, số NCT tăng 2,76 lần và số NCT ở các nước đang phát triển tăng tới 3,03 lần.

Trong 50 năm qua, người ta mới thường nói tới “bùng nổ dân số”, nhưng thực ra cần nói thêm là “siêu bùng nổ người cao tuổi”, đặc biệt là ở những nước nghèo. Tỷ lệ NCT cao nhất là ở các nước phát triển nhưng số lượng NCT nhiều nhất lại ở các nước đang phát triển. Năm 2010, trong số 759 triệu NCT, có tới 493,4 triệu cụ sống ở các nước nghèo, chiếm tới 65% NCT của thế giới.

Già hóa dân số sẽ song hành cùng phát triển. Theo dự báo, trong 50 năm tới, quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn 2000 - 2050, dân số sẽ chỉ tăng 1,5 lần, nhưng NCT sẽ tăng tới 3,4 lần và NCT ở các nước nghèo tăng 4,4 lần. Thời gian để một nước tăng tỷ lệ NCT từ 7% lên 10% - đạt ngưỡng dân số già, trước đây, ở Pháp phải mất 70 năm (1865 - 1935), Mỹ: 30 năm (1945 - 1975), còn ngày nay, Nhật Bản chỉ có 15 năm (1970 - 1985) và Việt Nam, dự kiến, khoảng 25 năm (1989 - 2014).

Bảng 1: Số lượng và tỷ lệ NCT trên thế giới (1)

Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng xã hội già hóa

Cùng với xu hướng chung của thế giới, NCT Việt Nam không ngừng tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Nhịp độ già hóa ở nước ta trong thập niên 90 của thế kỷ XX đã nhanh hơn, mạnh hơn nhiều so với thập niên trước đó. Nếu trong thập niên 80 của thế kỷ trước, NCT chỉ tăng thêm 93 vạn người và tỷ lệ tăng thêm là 0,3% thì đến thập niên sau đó, các con số tương ứng là 155 vạn người và 0,92%. Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, dân số tăng 1,12 lần, còn NCT tăng 1,2 lần, với số tăng thêm là 126 vạn. Sự bùng nổ dân số sau năm 1954 và kéo dài trong nhiều thập niên sau đó, đồng thời với mức sinh giảm mạnh trong thập niên 90 của thế kỷ XX và còn tiếp tục giảm sẽ là các nhân tố thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình già hóa dân số nước ta trong khoảng 10 - 20 năm tới.

Nghiên cứu, khảo sát về NCT ở nước ta, có thể rút ra một số đặc điểm sau:

Người cao tuổi phần đông là nữ và nữ góa chồng

Năm 2009, trong tổng số 7.452.747 NCT có 3.012.476 cụ ông và 4.440.271 cụ bà, nói cách khác, cứ 100 cụ ông thì có tới 147 cụ bà. Trong khi đó, theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số năm 1999, tỷ lệ này mới là 100/140. Điều đáng chú ý là, tuổi càng cao thì số cụ bà lại càng nhiều hơn số cụ ông và xu hướng này ngày càng được khẳng định (xem bảng 2).

Số liệu thống kê cho thấy, từ tuổi 85 trở lên, số cụ bà nhiều gấp hơn 2 lần số cụ ông. Một điểm rất đáng lưu ý nữa là, năm 2009, trong nhóm NCT, tỷ lệ nam giới đang có vợ là 84,9%, nhưng tỷ lệ nữ đang có chồng chỉ là 44, 1%. Cả nước có 415.722 cụ ông góa vợ và 2.335.583 cụ bà không còn bạn đời, nhiều gấp 5,6 lần so với số cụ ông (năm 1999, con số này là 4,5 lần). Điều đó cho thấy, già hóa chủ yếu là già hóa nữ. Phụ nữ khi về già thường thiệt thòi hơn nam giới, bởi phải sống đơn côi và tiếp tục lo lắng cho những đứa con chưa trưởng thành. Bình quân 1 người về hưu vẫn phải có trách nhiệm nuôi 0,11 bố mẹ và 0,76 con. Trong khi đó, vấn đề tái giá của người già, nhìn chung, không được ủng hộ: có 58,6% số người được hỏi cho là không nên, 18,3% không quan tâm, 5% không có chính kiến, chỉ có 18% tán thành, tức là cứ 5 người mới có gần 1 người chấp nhận.

Người cao tuổi chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp

Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy: 72,5% NCT sống ở nông thôn. Trong số NCT, chỉ có khoảng 16% - 17% hưởng lương hưu hoặc mất sức, hơn 10% các cụ hưởng trợ cấp người có công với nước. Như vậy, còn trên 70% NCT hiện nay sống bằng lao động của bản thân, bằng nguồn hỗ trợ của con cháu và gia đình. Trong khi đó, ở nông thôn ruộng đất ít, năng suất, thu nhập thấp, ít có tiết kiệm phòng khi bất trắc ở tuổi già.

Cứ 100 người cao tuổi thì có 36 người đang hoạt động kinh tế

Cũng theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, có khoảng 36% NCT đang tham gia làm việc tại các ngành khác nhau của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. Tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể, so với 25% của năm 1999. Tỷ lệ NCT hoạt động kinh tế ở thành thị là 20%, còn ở nông thôn là 42,5%, tức là cao hơn gấp đôi, trong khi thông thường sức khỏe của NCT ở thành thị tốt hơn, kiến thức, tay nghề cao hơn. Vì vậy, tình trạng nói trên có thể là một dấu hiệu cho thấy sự lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

(Còn tiếp)

(1) Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Vấn đề dân số hôm nay, số 1, quý 1-1999.

(2) Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra dân số 1-4-1999, Hà Nội, tháng 3-2000; Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương: Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009. Các kết quả chủ yếu, Hà Nội, tháng 6-2010.

Chia sẻ bài viết