31/01/2015 - 17:30

Chăm con cản trở sự nghiệp của phụ nữ Hàn Quốc

Cô Ahn Ji-sun rất muốn trở lại làm việc sau khi sinh bé thứ hai cách đây 3 năm, nhưng đến giờ bà mẹ 38 tuổi vẫn chưa tìm được người giúp mình trông nom các con. Trách nhiệm chăm sóc con cái khiến cô phải tiếp tục ở nhà và từ bỏ sự nghiệp đang thăng tiến là một quản lý công ty tổ chức sự kiện tại thủ đô Seoul. Thật ra, nhiều chị em khác ở xứ kim chi cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.

Hàn Quốc là nước có truyền thống cho rằng vị trí của các bà mẹ là phải ở nhà, nhưng rào cản lớn nhất hiện nay dành các bà mẹ đang tìm kiếm sự thăng tiến trong sự nghiệp lại xuất phát từ tình trạng thiếu hụt đội ngũ chăm sóc trẻ em đáng tin cậy.

Nhiều bậc phụ huynh đã quyết định tiếp tục để con nhỏ ở nhà sau khi chứng kiến một loạt đoạn phim phanh phui những vụ lạm dụng hoặc bạo hành trẻ em tại các cơ sở nhận nuôi giữ trẻ nhỏ. Mới hồi đầu tháng này, đoạn phim quay lại cảnh bảo mẫu đang vung tay đánh một em nhỏ ngã xuống nền nhà đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi áp dụng các biện pháp giám sát gắt gao hơn đối với các trường học và cơ sở nhận chăm sóc trẻ nhỏ.

Bên trong một lớp mẫu giáo tại thành phố Gangneung (Hàn Quốc).
Ảnh: Google Images

Theo số liệu thống kê hồi tháng 4-2014 của chính phủ Hàn Quốc, có 22% trong tổng số phụ nữ kết hôn (từ 15-54 tuổi) đã bỏ việc vì các lý do liên quan đến việc lập gia đình, sinh con hoặc chăm sóc con cái. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động còn thấp (chỉ 56% năm 2013) cũng là một vấn đề đang ngày càng khẩn cấp tại đất nước có tốc độ dân số lão hóa nhanh nhất thế giới và số dân trong độ tuổi lao động được dự đoán sẽ bắt đầu giảm từ năm tới.

Bên cạnh đó, việc được trả mức lương thấp hơn các đồng nghiệp nam cũng khiến các chị em ít có động lực tham gia hoặc quay trở lại làm việc sau khi sinh. Đơn cử, lao động nữ chỉ nhận được 65% mức lương mà lao động nam được trả hồi năm 2012. Đáng chú ý là mức chênh lệch lương giữa hai giới gần như không thay đổi kể từ giữa những năm 1990, và là cách biệt lớn nhất trong nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). "Chúng tôi đã thành công trong việc tuyển dụng phụ nữ vào lực lượng lao động, nhưng giữ chân họ là điều khó khăn"- Bộ trưởng Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc Kim Hee-jung thừa nhận.

Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc đang tìm cách củng cố các chính sách hiện có - chẳng hạn như tăng số lượng người nuôi giữ trẻ và các trung tâm tư vấn dành cho các bà mẹ muốn đi làm trở lại (do chính phủ bảo trợ với mức phí thấp). Theo số liệu chính thức hồi tháng 9-2014, khoảng 98.000 trẻ nhỏ đang chờ để được nhận vào các trung tâm chăm sóc trẻ của nhà nước, vốn có chất lượng chăm sóc tốt và mức phí rẻ hơn so với các cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, số lượng trung tâm dạng này chỉ chiếm có 5% trong tổng số cơ sở nuôi giữ trẻ toàn quốc.

Ngoài việc tăng cường hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc trẻ, chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye, nữ nguyên thủ duy nhất ở Đông Bắc Á, hồi tháng rồi cũng thông báo sẽ thành lập một quỹ trị giá 50 tỉ won (khoảng 46 triệu USD) dành cho các nữ lãnh đạo doanh nghiệp tương lai. Bất chấp những nỗ lực trên, Hàn Quốc vẫn tiếp tục đứng ở hàng thứ 117 trong tổng số 142 quốc gia về Chỉ số Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thấp hơn nhiều so các láng giềng châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.

NGUYỆT CÁT (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết