03/04/2011 - 08:57

Cây thông hy vọng!

 

Từ khi sóng thần quét qua Rikuzentakata (tỉnh Iwate) hôm 11-3, trên bãi biển của thành phố chỉ còn trơ trọi mỗi cây thông (ảnh). Nó được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và ý chí không quỵ ngã dành cho những người tan nhà nát cửa sau thảm họa ở thành phố biển này. Trước đây, cây này vốn nằm giữa rừng thông bạt ngàn gồm khoảng 70.000 cây được một thương nhân trồng từ thế kỷ 17. Hơn 300 năm qua, rừng thông này đóng vai trò lá chắn bảo vệ thành phố Rikuzentakata mỗi khi biển cả nổi cơn phong ba.

Sóng thần qua đi, phần lớn thành phố Rikuzentakata trở thành vùng bình địa, chỉ còn sót lại vài tảng bê tông của các tòa nhà sụp đổ. Cả rừng thông cũng tan tác như que diêm rơi vãi khắp bãi biển. Duy chỉ có cây thông này là trụ vững. Với hàng nghìn người dân mất nhà cửa ở Rikuzentakata, sự sống sót của “cây thông hy vọng” chẳng khác nào một “phép mầu”. Nhựa thông ứa ra từ vết thẹo trên thân trong khi những nhánh cây bên dưới bị sóng biển tước sạch. Thế nhưng phần ngọn của cây cao 10 mét này vẫn rậm lá, chứng tỏ sức sống của nó rất mãnh liệt. “Do là cây duy nhất còn nguyên vẹn nên nó sẽ trở thành biểu tượng của sự hồi phục” - Eri Kamaishi, cư dân 23 tuổi, cho biết. Nó là một trong những cột mộc ít ỏi còn sót lại để minh chứng nơi thành phố Rikuzentakata đẹp như tranh từng tọa lạc. “Tôi thậm chí không còn nhớ chính xác diện mạo của thành phố mình bởi tất cả đã bị tàn phá” - Eri nói tiếp.

Thủ tướng Naoto Kan chọn Rikuzentakata, nằm cách Thủ đô Tokyo 400 km, là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thị sát khu vực thảm họa hôm 2-4. “Nơi đây từng có rừng thông tuyệt đẹp nhưng giờ chúng đã biến mất” - Thủ tướng Kan buồn bã nói khi đặt chân đến bãi biển có cây thông. Bãi biển nhìn ra vịnh Hirota này từng thu hút 200.000 du khách đến nghỉ dưỡng mỗi năm và được mệnh danh là một trong 100 thắng cảnh đẹp nhất Nhật Bản. “Đối với chúng tôi, rừng thông có ý nghĩa rất đặc biệt bởi nó đã bảo vệ người dân địa phương suốt ngần ấy năm qua” - cụ Yasuo Murakami, 69 tuổi, bộc bạch. Cụ hy vọng cây thông mạnh mẽ này sẽ khích lệ và xoa dịu vết thương lòng của những gia đình mất mát người thân trong thảm họa vừa qua. Vợ và em gái đã vĩnh viễn rời xa cụ từ hôm 11-3 trong khi đứa cháu gái 6 tuổi đến nay chưa rõ còn hay mất.

Chứng kiến cảnh sóng thần phá hủy rừng thông, Tomohiro Owada - phát ngôn viên tòa thị chính Rikuzentakata - cho biết một khi công tác cứu hộ và dọn dẹp đống đổ nát hoàn tất, chính quyền thành phố sẽ nghiên cứu cách bảo tồn cây thông để làm biểu tượng của quá trình tái thiết mảnh đất có hơn 2.300 người chết và mất tích này - chiếm 10% dân số nơi đây.

YÊN BÌNH (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết