Tiếp tục chính sách “Hướng Đông” cũng như nỗ lực thoát khỏi gọng kìm cô lập và cấm vận của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin ngày 10-12 một lần nữa thân chinh qua châu Á tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn Độ thường niên lần thứ 15 diễn ra tại New Delhi.
Đại sứ Nga tại Ấn Độ Alexander Kadakin cho biết hợp tác năng lượng, bao gồm năng lượng hạt nhân, là mục tiêu hàng đầu trong cuộc thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Ông Kadakin tuyên bố hai nước sẽ tăng cường hợp tác kinh tế “bằng mọi phương tiện”. Giới phân tích cho rằng đây là thời điểm hai nước xúc tiến kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt và ký hợp đồng cung cấp khí đốt với giá rẻ. Chính Tổng thống Putin cũng đã hành động như vậy với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sau lệnh cấm vận của phương Tây. Ngoài ra, Ấn Độ hy vọng sẽ mua được nguyên liệu sản xuất phân bón “khuyến mãi đặc biệt” giảm giá lên đến 25%, đồng thời có thể đặt nguồn cung cấp kim cương thô trực tiếp từ Nga.
Vấn đề gay cấn nhất trong quan hệ Nga-Ấn hiện nay là mua bán vũ khí. Ngoài dự án hợp tác phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 với đối tác chiến lược truyền thống quan trọng nhất là Nga, chính quyền Ấn Độ trong những năm qua đã chủ trương chọn lựa các bạn hàng lớn khác như Mỹ, Pháp và Israel để đa dạng hóa thiết bị vũ trang. Như hiện tại, Ấn Độ chỉ muốn mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp hoặc máy bay tấn công lên thẳng Apache của Mỹ. Tuy nhiên, điều này đang khiến Nga “cực kỳ không hài lòng”- theo nhận định của Thời báo Ấn Độ.
Để tạo áp lực lên Ấn Độ, Mát-xcơ-va đã ký thỏa thuận an ninh và quốc phòng với Pakistan, tạo cơ hội bán máy bay trực thăng tấn công Mi-35 cho Islamabad. Đại sứ Kadakin lập luận Nga chỉ ký “thỏa thuận khung” chứ chưa có hợp đồng bán thiết bị quân sự cho Pakistan, đồng thời tuyên bố: “Tôi phải tái đảm bảo rằng Nga là đối tác chiến lược và bạn bè gần gũi nhất của Ấn Độ. Nước nga sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến lợi ích an ninh của Ấn Độ”. Một quan chức quốc phòng cấp cao Ấn Độ cho rằng Nga muốn dùng kình địch Pakistan để gây sức ép với Ấn Độ. “Nhưng chúng tôi không thể đặt tất cả quả trứng vào một rổ”- vị này than thở.
Phía Mỹ tỏ ra quan tâm đến chuyến công du Ấn Độ lần này của Tổng thống Nga khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Washington đang chờ đợi xem những thỏa thuận nào được hai nước ký kết. Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ sang thăm Ấn Độ vào đầu năm tới và dư luận cũng có thể chờ xem Nga hay Mỹ giành được kết quả tốt hơn từ đối tác chiến lược này.
KIẾN HÒA