03/11/2024 - 08:20

Cảnh báo trẻ bị rắn cắn nhập viện trễ, biến chứng nặng 

(CT) - Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ cảnh báo về tình trạng trẻ bị rắn cắn nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp cấp cứu trễ dẫn đến biến chứng, đe dọa sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo những biện pháp sơ cứu đúng cách trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Người bị rắn lục đuôi đỏ cắn có thể nguy hiểm tính mạng nếu không đến BV sớm.

Mới đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, tiếp nhận bé N.T.D ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nhập viện trong tình trạng bàn chân trái sưng phù lan lên cẳng chân. Vùng mặt trước bàn chân có mốc độc do rắn lục đuôi đỏ cắn. Người nhà bệnh nhi cho biết, cách nhập viện khoảng 1 giờ bé đi ra vườn thì bị rắn cắn.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi có tình trạng rối loạn đông máu diễn tiến nhanh, đã chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ cho bé. Sau khi truyền huyết thanh, chỗ vết cắn bắt đầu giảm sưng nề, không còn chảy máu nữa. Kết quả các xét nghiệm rối loạn đông máu cho thấy cải thiện tốt và bé đã được xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu, gần đây, trong mùa mưa và những ngày nước lên, Khoa tiếp nhận nhiều trẻ bị rắn cắn, đa số là do rắn lục đuôi đỏ. Loại rắn này có nọc độc gây rối loạn đông máu, với biểu hiện ban đầu là chảy máu tại vết cắn, sưng lan nhanh. Nhiều trường hợp đến trễ khiến tình trạng rối loạn đông máu diễn tiến nặng, trẻ có thể xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tạng, tiềm ẩn nguy cơ tử vong.

Ðể tránh nguy cơ bị rắn cắn, khi đi ra vườn, cần mang ủng cao, ngoài ra nên phát quang xung quanh nhà. Nếu vô tình bị rắn cắn, cần sơ cứu đúng cách. Bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo những việc nên làm khi trẻ bị rắn cắn: trấn an trẻ; bất động và đặt chi bị cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố; rửa sạch vết thương; nẹp cố định chi bị cắn; nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến BV.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lưu ý những việc không nên làm: rạch da để lấy nọc độc; đắp các loại thuốc, “bó thuốc nam”; garo quá chặt, không có hiệu quả, có thể gây nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc độc và chảy máu tại chỗ.

THU SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết