02/06/2020 - 17:49

Cảnh báo "ổ dịch" từ chăn nuôi công nghiệp 

Phát triển mạnh nhờ lợi thế giá rẻ, nhưng ngành chăn nuôi công nghiệp đang đứng trước cảnh báo trở thành "quả bom" dịch bệnh ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng nếu không cải thiện tiêu chuẩn an toàn và công tác quản lý trên quy mô toàn cầu.

Ngành chăn nuôi của Trung Quốc từng bị khủng hoảng bởi dịch tả heo châu Phi. Ảnh: EPA-EFE

Hồi tháng 2, Trung Quốc tuyên bố dịch cúm gia cầm H5N1 bắt đầu tái phát trong khi Bắc Kinh vẫn đang vật lộn với dịch COVID-19 vốn bị cho có nguồn gốc từ khu chợ ở Vũ Hán. Trước đó vào năm 2018, nước này đã phải vất vả đối phó dịch tả heo châu Phi khi buộc phải tiêu hủy ít nhất 100 triệu con, đẩy ngành công nghiệp thịt heo trong nước rơi vào khủng hoảng với giá thịt tăng vọt lên mức cao nhất trong 8 năm.

Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch tả heo châu Phi có nguy cơ tiếp tục lan rộng tại châu Á và mọi quốc gia đều có nguy cơ bùng phát dịch. Diễn biến phức tạp này cùng mối liên hệ có thể có giữa đại dịch COVID-19 với chợ buôn bán động vật hoang dã đã buộc Trung Quốc thắt chặt các quy tắc. Ngoài lệnh cấm tạm thời hồi tháng 2 với tất cả hoạt động thương mại và tiêu thụ động vật hoang dã, Bắc Kinh còn dự kiến sửa đổi hoặc ban hành một số luật liên quan đến quy trình kiểm soát dịch bệnh ở động vật trong 2 năm tới.

Theo các nhà chuyên môn, Trung Quốc đang muốn lấp những "lỗ hổng" trong khâu an toàn sinh học, trách nhiệm quản lý và minh bạch thông tin cấp địa phương nhằm cải thiện quy trình xác định và loại bỏ dịch bệnh trên động vật sau những cáo buộc "giấu COVID-19" khiến thế giới gánh hậu quả. Về mặt này, nhà dịch tễ học Dirk Pfeiffer tại Đại học Hong Kong cho biết đây không là vấn đề riêng của một quốc gia mà mang tính toàn cầu khi chăn nuôi công nghiệp trên thế giới ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số đang tăng nhanh. Chỉ riêng Trung Quốc, nhu cầu thịt tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã tăng gần 20% trong 20 năm qua. Xu thế này cũng đang bắt đầu tăng vọt tại nhiều quốc gia khác. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản xuất thịt toàn cầu tăng gần 20% giai đoạn 2005-2015 và sẽ tiếp tục tăng thêm 13% đến năm 2028.

Bom nổ chậm

Theo dự báo của FAO, mật độ người và động vật ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, FAO cảnh báo những thay đổi trong chăn nuôi công nghiệp như mở rộng quy mô sản xuất thịt, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật đi kèm lợi ích kinh tế có thể tiềm ẩn rủi ro xuất hiện nhiều mầm bệnh mới. Và một khi bùng phát thành đại dịch, tác động đối với xã hội sẽ không thể lường trước được.

Nói thêm về mối liên hệ giữa thực phẩm, sản xuất thịt và rủi ro bệnh truyền nhiễm, Giáo sư Pfeiffer cho rằng buôn bán động vật hoang dã cũng chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn. Theo nghiên cứu hồi năm 2018 của Israel, gia súc trong chăn nuôi chiếm tới 60% sinh khối động vật có vú trên Trái đất so với chỉ 4% của động vật hoang dã. Không chỉ làm lệch hướng đa dạng sinh học, các chuyên gia cho rằng chăn nuôi công nghiệp còn tạo ra "quả bom dịch bệnh" đe dọa sức khỏe con người, đặc biệt khi những mô hình như trang trại thuần hóa, chăn nuôi động vật hoang dã ở Trung Quốc vẫn được nhân rộng.

Hiện tại, Bắc Kinh thông qua nhiều chính sách mới đang chuẩn bị thay đổi cấu trúc trang trại chăn nuôi công nghiệp theo hướng có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo những mô hình này với mật độ chăn nuôi cao nhưng thiếu kiểm soát sẽ tạo điều kiện để mầm bệnh lây lan nhanh hơn, tăng rủi ro virus đột biến và lây sang người.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết