31/12/2019 - 18:52

Căng thẳng ngoại giao Bolivia-Mexico-Tây Ban Nha 

Chính phủ Bolivia ngày 30-12 đã trục xuất một số nhà ngoại giao Mexico và Tây Ban Nha, đẩy hục hặc ngoại giao lên cao hơn sau khi Đại sứ quán Mexico tại La Paz cấp phép tị nạn cho những đồng minh của cựu Tổng thống Evo Morales.

Theo đó, chính quyền của Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez đã yêu cầu đại sứ Mexico María Teresa Mercado và 2 quan chức Tây Ban Nha rời khỏi quốc gia Nam Mỹ trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Phía Bolivia cáo buộc những vị này vi phạm các quy tắc ngoại giao khi hỗ trợ các cựu quan chức thân với ông Morales, bao gồm cho phép họ hoạt động chính trị và đi lại bằng xe ngoại giao.

Cảnh sát Bolivia canh gác gần Đại sứ quán Mexico tại La Paz. Ảnh: NY Times

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết sẽ triệu hồi Mercado về nước để đảm bảo sự an toàn cho bà, đồng thời chỉ trích quyết định của Bolivia "mang động cơ chính trị". Giới chức Mexico cũng cho rằng chính phủ nước này muốn duy trì quan hệ với Bolivia, nên không tuyên bố Đại sứ Bolivia tại Mexico là "nhà ngoại giao không được thừa nhận" như phía La Paz đã làm. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đáp trả bằng cách trục xuất 3 nhà ngoại giao Bolivia hôm 30-12.

Những vụ trục xuất bất ngờ của Bolivia được cho là hành động quyết liệt nhất mà bà Anez thực hiện để tái định hình chính sách đối nội và đối ngoại kể từ khi kế nhiệm ông Morales hồi tháng 11. Bất ổn xảy ra tại Bolivia từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 10, theo đó Tổng thống Morales tái đắc cử nhưng phe đối lập tố cáo có gian lận. Trước sức ép từ quân đội và những người biểu tình, ông này phải từ chức, xin tị nạn tại Mexico và hiện giờ đang ở Argentina.

Thật ra, lúc đầu Bolivia đã tức giận trước việc chính phủ cánh tả ở Mexico điều máy bay quân sự đến rước ông Morales và cho phép nhân vật này tị nạn tạm thời. Đến tuần rồi, Tây Ban Nha bất ngờ dính líu đến vụ việc khi 2 xe ngoại giao Tây Ban Nha được cho cố xâm nhập Đại sứ quán Mexico tại La Paz, khiến Madrid bị nghi lặng lẽ tìm cách can thiệp vào cuộc xung đột ngoại giao. Ngoại trưởng Bolivia Karen Longaric phàn nàn rằng các nhà ngoại giao Tây Ban Nha được tháp tùng bởi những nhân viên an ninh bịt mặt và có vũ trang trong chuyến đi trên, gọi đây là sự xúc phạm đến chủ quyền Bolivia. Bà Longaric nói sẽ gửi công hàm phản đối lên Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một người bịt mặt bước ra khỏi xe ngoại giao và trao đổi với cảnh sát địa phương. Khi đó, người dân tiếp cận và hô hoán có âm mưu đưa những người bên trong Đại sứ quán Mexico ra ngoài. Được biết, cựu trợ lý cấp cao của ông Morales là Juan Ramon Quintana nằm trong số 9 cựu quan chức Bolivia tị nạn trong Đại sứ quán Mexico. 3/9 nhân vật này bị chính quyền lâm thời Bolivia phát lệnh truy nã với cáo buộc xúi giục bạo loạn và gian lận bầu cử.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, NY Times)

Chia sẻ bài viết