11/11/2008 - 13:16

Đào tạo chuyên khoa Bác sĩ gia đình

Cần thiết nhưng chưa hấp dẫn học viên

Học viên ngành Bác sĩ gia đình khóa 4, Trường ĐHYD Cần Thơ (bên phải) trong giờ học thực hành tại Phòng khám bác sĩ gia đình đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ là 1 trong 6 trường y trên cả nước đào tạo chuyên khoa I Bác sĩ gia đình. Đây là chương trình đào tạo những bác sĩ có khả năng thực hành tốt trên nhiều chuyên khoa để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cộng đồng. Theo đánh giá của Trường ĐHYD Cần Thơ, chương trình rất cần thiết để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Thế nhưng 6 năm qua, lượng học viên theo học chương trình này ngày một ít dần...

* Đào tạo bác sĩ đa năng...

Tại Phòng Khám bảo hiểm, Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Việt Nam, vừa khám bệnh, vừa tư vấn cho bệnh nhân trên 70 tuổi một cách tận tình. Chị giải thích cặn kẽ những vấn đề mà người bệnh băn khoăn: “Bệnh ngoài da của bác chỉ cần thoa thuốc là hết. Tuy nhiên, bác còn mắc thêm bệnh lý tim mạch nên hay mệt mỏi, khó chịu. Cháu sẽ giới thiệu chuyên khoa để bác đến khám và điều trị bệnh tim mạch”.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, về công tác tại Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Việt Nam được Ban Giám đốc tạo điều kiện cho đi học chuyên khoa I Bác sĩ gia đình. Những kiến thức học được đã giúp chị rất nhiều trong việc khám, tư vấn cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Việt Nam nói: “Những bệnh nhân đến đây điều trị thường không chỉ mắc các bệnh ngoài da mà còn mắc một số bệnh lý khác. Bác sĩ phải biết để tư vấn cho người bệnh điều trị đến nơi đến chốn”.

Bác sĩ Nguyễn Việt Nam là một trong 10 bác sĩ chuyên khoa I Bác sĩ gia đình niên khóa 2005-2007. Chuyên khoa I y học gia đình là chương trình đào tạo sau đại học dành cho những bác sĩ đang công tác tại cơ sở y tế của tất cả các tuyến. Thời gian đào tạo là 2 năm. Học viên được học và thực hành nhiều môn chuyên ngành như: cấp cứu, ung thư, lao và bệnh phổi, da liễu, chấn thương chỉnh hình... Chương trình đào tạo nghiêng về thực hành.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy, Trưởng Bộ môn Y học gia đình, Trường ĐHYD Cần Thơ, Bác sĩ gia đình là chương trình đào tạo khá mới. Mục tiêu của chương trình là nâng cao kỹ năng thực hành cho các bác sĩ đa khoa. Những học viên theo học chương trình này có khả năng hướng dẫn phòng bệnh, khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp tại cộng đồng. Thạc sĩ - bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy cho biết: “Bác sĩ gia đình là người có khả năng theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của một người, một gia đình để có thể tư vấn các vấn đề sức khỏe. Ở bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ gia đình có thể làm bác sĩ đa khoa rất tốt. Chương trình đào tạo bác sĩ gia đình không đi sâu vào từng lĩnh vực như các chuyên khoa hẹp mà đảm bảo sau khi tốt nghiệp, học viên có khả năng thực hành đa khoa để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân”.

* Chưa được quan tâm rộng rãi

Theo thạc sĩ bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy, ở các nước phát triển, ngành y tế rất chú trọng đến việc đào tạo Bác sĩ gia đình. Bác sĩ gia đình là người theo dõi tình trạng sức khỏe của một người, một nhóm người từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, nên có khả năng phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh thích hợp. Còn ở nước ta, đây là ngành mới nên nhiều người chưa biết, chưa hiểu đúng chức năng, ý nghĩa của nó. Bác sĩ Thúy nói: “Một số học viên, sau khi tốt nghiệp chuyên khoa I Bác sĩ gia đình, trở lại đơn vị công tác chưa được bố trí đúng người, đúng việc. Vì thế, nhiều học viên đã ra trường cũng như các học viên đang học rất băn khoăn”. Cái khó hiện nay là ngành y tế cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc phân công, bố trí công việc cho bác sĩ gia đình, chưa có chủ trương khuyến khích mở rộng ngành này.

Mặc dù vậy, Trường ĐHYD Cần Thơ vẫn xem Bác sĩ gia đình là một chuyên ngành sau đại học cần được tập trung phát triển. Vừa qua, trường đã tổ chức hội thảo về đào tạo ngành này. Qua đó, có nhiều ý kiến đóng góp về chương trình đào tạo, như: còn nặng về lý thuyết, thời gian thực hành còn ít... Thạc sĩ - bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy nói: “Từ những ý kiến của các học viên, giảng viên, Ban Giám hiệu đã có sự điều chỉnh chương trình theo hướng gọn nhẹ, chất lượng hơn như: gom một số môn học lại cho phù hợp với chuyên môn thực tế của học viên; tăng thời gian thực hành chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; tập trung giảng dạy thực hành là chính, giảm giờ lý thuyết...”.

Nâng cao trình độ đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy ngành Bác sĩ gia đình cũng là vấn đề được đặt ra. Hiện nay, Bộ môn Y học gia đình của Trường ĐHYD Cần Thơ có thể đáp ứng đủ cán bộ giảng dạy nhưng chủ yếu là các cán bộ chuyên khoa, một số người chưa qua đào tạo về y học gia đình. Mặc dù, Bộ môn Y học gia đình đã có Phòng Khám gia đình đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhưng vẫn chưa đảm bảo đúng với yêu cầu của một phòng khám y học gia đình cho học viên thực tập. Trường phải gởi học viên thực tập tại các phòng khám thông thường của các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố và quận, huyện. Do đó, việc thực tập gặp hạn chế, chưa đúng qui cách, thời gian qui định.

* * *

Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân càng cao, trong đó, có cả nhu cầu được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, tại nhà. Vì vậy, Ban Giám hiệu Trường ĐHYD Cần Thơ vẫn xác định Bác sĩ gia đình là chuyên ngành cần được phát triển. Trường sẽ tiếp tục điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tế và chuẩn bị nguồn cán bộ giảng dạy để mở rộng chuyên ngành này. Thạc sĩ - bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho những người có nhu cầu. Đồng thời, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành ĐBSCL để mở rộng việc đào tạo chuyên khoa I Bác sĩ gia đình cho các địa phương”.

Bài, ảnh: Bích Kiên

Hiện nay, tại Việt Nam có 6 trường đại học y đào tạo chuyên khoa cấp I Bác sĩ gia đình, gồm: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Nguyên, ĐHYD TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Huế ĐH Y Hải Phòng và ĐHYD Cần Thơ. Trường ĐHYD Cần Thơ đã triển khai đào tạo sau đại học chuyên ngành Bác sĩ gia đình từ năm 2002. Đã có 3 khóa, với 70 học viên ra trường. Hiện nay, trường đang đào tạo 2 khóa, với 14 học viên. Trước khi mở ngành này, trường đã khảo sát và các địa phương đều có nhu cầu về đội ngũ bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, các khóa càng về sau, càng ít học viên.

Chia sẻ bài viết