05/09/2015 - 16:52

Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc quốc tế (E.FIAP) Đồng Đức Thành:

Cần đi sâu và “cắm rễ” trong từng mảng nội dung

 

Cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ lần thứ 17-2015 đã thành công với bộ ảnh triển lãm và bộ giải có chất lượng, đáp ứng kỳ vọng của giới nhiếp ảnh thành phố. Dịp này, nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc quốc tế (E.FIAP) Đồng Đức Thành, chủ khảo của cuộc thi, đã trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ một số vấn đề về nhiếp ảnh nghệ thuật của Cần Thơ cũng như khu vực ĐBSCL hiện nay.

 Xin ông đánh giá chất lượng Cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ lần thứ 17-2015?

- Cuộc thi đã thành công với trên 400 tác phẩm dự thi và đa số có chất lượng tốt, nhịp độ nghệ thuật đều đặn, ít lỗi. Theo tôi, quá trình chọn lựa bộ ảnh triển lãm và bộ ảnh để trao giải đã "làm khó" ban giám khảo bởi chất lượng ảnh tốt và khá đồng đều. Chúng tôi đã phải tổ chức thêm nhiều vòng bổ sung để chọn những tác phẩm bằng điểm vào vòng trong. Việc chọn lựa 1 trong 2 tác phẩm để đủ bộ ảnh 11 tác phẩm trao giải cũng làm "đau đầu" giám khảo không ít.

Cùng chủ đề đất và người Cần Thơ trên đường phát triển, hội nhập nhưng các tay máy Cần Thơ đã biết làm tươi mới, thể hiện sự khỏe khoắn, trẻ trung qua ngôn ngữ của ánh sáng. Góc ảnh, bố cục ảnh lạ, đẹp mắt. Tuy nhiên, cũng có số ít tác phẩm, có lẽ là của các tay máy trẻ, chưa chú trọng nhiều đến yếu tố nghệ thuật mà chỉ thể hiện tính thời sự, hiện tượng theo kiểu ghi nhận đơn thuần.

 Từng giảng dạy về nhiếp ảnh ở khắp các địa phương trong cả nước, theo quan sát của ông, nhiếp ảnh Cần Thơ và nhiếp ảnh ĐBSCL đang phát triển như thế nào?

- Tôi có duyên với Cần Thơ bởi nhiều lần được mời làm giám khảo cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống của địa phương. Nhờ vậy, tôi có cái nhìn hệ thống hơn về hoạt động nhiếp ảnh tại đây. Qua các năm, chất lượng ảnh nghệ thuật của Cần Thơ phát triển tốt, có thêm nhiều tay máy mới, trẻ trung hơn. Như hôm nay (ngày chấm Cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ lần thứ 17-2015- PV), không chỉ các tay máy mà gia đình, người thân cũng theo cổ vũ. Đó là tín hiệu vui bởi tình yêu nhiếp ảnh được chia sẻ trong cộng đồng gia đình, bạn bè, là yếu tố để phong trào nhiếp ảnh Tây Đô mạnh mẽ hơn.

 Tác phẩm “Mùa xuân của mẹ” của tác giả Trương Thị Ánh Hồng đạt giải Nhất cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ lần thứ 17-2015.

Sau TP Hồ Chí Minh, nhiếp ảnh ĐBSCL là khu vực phát triển "khỏe khoắn" nhất. Theo tôi, điều này có được là nhờ tính cách hào sảng, thẳng thắn, dễ tiếp thu cái mới và sòng phẳng với cuộc sống của người ĐBSCL. Những tính cách này rất cần cho một tác phẩm nghệ thuật.

 Ông nhận định như thế nào về xu thế kết hợp ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí ở Việt Nam hiện nay?

- Đó là xu thế tất yếu của nhiếp ảnh hiện đại, không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Đã không còn ảnh nghệ thuật chung chung mà phải là ảnh nghệ thuật có nội dung, có chất liệu cuộc sống. Mặt khác, ảnh báo chí hiện tại không còn là thể loại ảnh báo chí đơn thuần mà là xu hướng photo art journalism, tức là ảnh báo chí tải sự kiện nhưng có bố cục, ánh sáng của ảnh nghệ thuật. Một sự kiện thời sự được chuyển tải qua một tác phẩm nghệ thuật luôn thuyết phục công chúng mạnh mẽ hơn. Ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật đang tiến gần, tiệm cận với nhau trong mối quan hệ hai bên cùng có lợi: ảnh báo chí cần chất nghệ thuật và bản lĩnh người cầm máy; ảnh nghệ thuật cũng rất cần thông tin. Công chúng hiện nay không chỉ thưởng thức cái đẹp mà đòi hỏi cái đẹp có nội dung, xúc cảm; bức ảnh và cá nhân người chụp ảnh có thể giao tiếp được với thế giới.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đang tiến tới xu hướng này. Những cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc cuộc sống", "Nét đẹp đời thường" hay các cuộc thi phóng sự ảnh của báo Tuổi Trẻ, báo Sài Gòn Giải Phóng… đang theo xu thế ảnh báo chí nghệ thuật.

 Theo ông, các tay máy trẻ hiện nay cần gì để thành công?

- Các bạn trẻ cần vốn sống. Thế hệ các bạn hơn chúng tôi rất nhiều ở khía cạnh kỹ thuật với nhiều phương tiện: mạng internet, máy móc... Nhờ đó, các bạn trẻ đã đáp ứng 50% yêu cầu cho thành công của một nghệ sĩ nhiếp ảnh vì tỷ lệ kỹ thuật và nội dung trong một tác phẩm nhiếp ảnh thành công là 50:50. Cái còn lại là vốn sống, tri thức, bản lĩnh sống. Càng có bản lĩnh sống, bức ảnh của bạn càng có chất liệu và gây ấn tượng mạnh hơn.

Muốn có được điều đó, các bạn trẻ ngoài việc trải nghiệm, lăn xả vào cuộc sống đời thường, còn cần phải quán xuyến trong lĩnh vực của mình. Ví như nhà báo thể thao thì phải am tường thể thao. Nghệ sĩ nhiếp ảnh sau khi qua khỏi ngưỡng "vỡ lòng" cần tạo cho mình hướng đi chuyên đề cụ thể nhằm tạo sự tinh tường, đi sâu và "cắm rễ" trong từng mảng nội dung.

 Xin cảm ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết