10/09/2011 - 19:27

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ VÙNG ĐBSCL

Cần cơ chế đặc thù

Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho vùng ĐBSCL là trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, cũng như lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực… Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 9-9-2011 cũng nhằm mục tiêu đưa giáo dục, đào tạo và dạy nghề ĐBSCL vươn lên…

* TẠO ĐIỀU KIỆN CHO ĐBSCL PHÁT TRIỂN

 Thời gian qua cơ sở vật chất trường lớp ở ĐBSCL ngày càng được đầu tư chuẩn hóa. Trong ảnh: Khánh thành 9 phòng học mới ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn, TP Cần Thơ – trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ảnh: CTV.

Mục tiêu của Quyết định số 1033/QĐ-TTg, ngày 30-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ là về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL, nhằm tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững của vùng và cả nước. Quyết định đề ra những chỉ tiêu cụ thể, như: đến năm 2015, 100% tỉnh, thành ĐBSCL đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học đạt 99%, THCS đạt 85%, THPT đạt 60% đến trường. Ở các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số trở lên phải thành lập được trường phổ thông dân tộc nội trú, thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú ở những nơi có điều kiện; phấn đấu có từ 10-12% học sinh dân tộc thiểu số trong tổng số học sinh dân tộc đang học giáo dục trung học được ở nội trú. Các trường trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp phải tăng qui mô tuyển sinh hàng năm từ 10-12%, huy động từ 10-15% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học Trung cấp chuyên nghiệp. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua dạy nghề ở ĐBSCL phải đạt 40%, bình quân đào tạo 445.000 lượt người/ năm. Các tỉnh, thành trong vùng cũng phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đến năm 2015 bình quân toàn vùng đạt tỷ lệ 190 sinh viên/vạn dân và đảm bảo cơ cấu hợp lý theo các ngành kinh tế, xã hội có thế mạnh của vùng...

Theo Quyết định 1033/QĐ-TTg, để thực hiện được các chỉ tiêu trên, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo và dạy nghề, thay đổi cách làm, cách nghĩ và tham gia tích cực vào quá trình giáo dục. Từ đó, giúp người học, người dạy, gia đình và xã hội chuyển đổi dần tâm lý, tập quán, thói quen không phù hợp sang hướng tích cực, hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới trường học, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp ở các cấp học. Đến năm 2015 xây dựng 215 trường mầm non cho các xã chưa có trường mầm non độc lập, phấn đấu có 55% trường mầm non được chuẩn hóa về cơ sở vật chất. Đầu tư xây dựng ở 21 xã chưa có trường tiểu học, 88 xã chưa có trường THCS, điểm trường lẻ ở các vùng khó khăn; xây dựng thêm phòng học để mở rộng mô hình học 2 buổi/ ngày. Đồng thời, thành lập mới 6 trường Trung cấp chuyên nghiệp ở những tỉnh có nhu cầu cao về phân luồng học sinh sau THCS. Hỗ trợ đầu tư đồng bộ cho các trường cao đẳng nghề, mỗi trường có một vài nghề trọng điểm đạt đẳng cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Dự kiến, đến năm 2015, nâng cấp và thành lập mới từ 10 đến 12 trường đại học và 11 trường cao đẳng cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư, tạo cơ chế phù hợp cho Trường Đại học Cần Thơ và một số trường đại học khác hiện đại hóa cơ sở vật chất. Đồng thời, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng. Phấn đấu đến năm 2015, 30% giảng viên các trường cao đẳng, 55% giảng viên các trường đại học có trình độ thạc sĩ, trong đó, có 5% giảng viên cao đẳng và 15% giảng viên đại học là tiến sĩ...

* CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Tại hội nghị, hầu hết đại biểu đều phấn khởi khi Quyết định 1033/QĐ-TTg được triển khai thực hiện. Thực hiện thành công Quyết định 1033/QĐ-TTg về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL sẽ có bước tiến quan trọng. Từ đó, sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL, kéo chất lượng giáo dục ở khu vực này gần hơn với các vùng, miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ sự băn khoăn vì xuất phát điểm của các tỉnh, thành ĐBSCL khá thấp. Bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Hiện tại, tỷ lệ trẻ mầm non ở Trà Vinh được học 2 buổi/ ngày chỉ đạt khoảng 50%; học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày chỉ đạt khoảng 20%. Số phòng học bán kiên cố toàn tỉnh còn đến 30%, nhiều trường còn thiếu trang thiết bị dạy học... Trong khi đó, thời gian thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg chỉ còn khoảng 4 năm, nên tỉnh Trà Vinh rất cần những hỗ trợ có tính chất đặc thù trong quá trình thực hiện quyết định này”. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở các tỉnh, thành ĐBSCL là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội nghị. Ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nói: “Giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở ĐBSCL đã có phát triển, nhưng vẫn chưa theo kịp các vùng miền khác trong cả nước. Vì vậy, Chính phủ cần có những cơ chế ưu tiên đặc biệt có tính chất đặc thù để tạo điều kiện cho ĐBSCL phát triển”. Nếu thiếu những cơ chế đặc thù riêng, sẽ khó thực hiện các chỉ tiêu mà Quyết định 1033/QĐ-TTg đề ra. Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, trăn trở: “Không có sự đột phá trong đầu tư kinh phí, phát triển con người... sẽ rất khó đạt được những chỉ tiêu nêu ra trong Quyết định 1033/QĐ-TTg”.

Trong khi đó, ông Trương Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre lo lắng việc phát triển hàng loạt trường cao đẳng, đại học ở vùng ĐBSCL khi chưa có một đề án xây dựng đội ngũ giảng viên. Ông Nghĩa nói: “So với các vùng miền trong cả nước, số lượng trường đại học ở ĐBSCL rất ít. Tuy nhiên, việc mở rộng mạng lưới trường đại học, trường cao đẳng nghề phải tính đến lực lượng giảng viên có đào tạo đồng bộ với sự ra đời của các trường”. Thời gian qua, các trường cao đẳng nghề ở vùng ĐBSCL rất khó tìm giáo viên. Bà Sơn Thị Ánh Hồng, chia sẻ: “Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh được xây dựng kiên cố, khang trang, trường đã làm nhiều cách nhưng không có đủ giáo viên”. Cùng lâm vào tình trạng trên là Trường Cao đẳng nghề Bến Tre, Cao đẳng nghề Sóc Trăng... Ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tỉnh Sóc Trăng đã tạo điều kiện thu hút giáo sinh sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh về công tác tại Trường Cao đẳng nghề của tỉnh, nhưng vẫn không thực hiện được”. Điều bất hợp lý nữa là trong khi hàng loạt trường cao đẳng nghề được thành lập, thì ĐBSCL lại không có trường đào tạo nghề bậc đại học. Vì vậy, rất cần có một đề án đào tạo giáo viên, giảng viên riêng cho ĐBSCL...

***

Xuất phát điểm thấp, lại chưa có được những cơ chế đầu tư ưu tiên, đặc thù, nên ĐBCSL luôn là vùng trũng trong giáo dục. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu quyết tâm, giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở ĐBSCL sẽ phát triển hơn nữa sau khi thực hiện có hiệu quả Quyết định 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết