26/04/2012 - 22:51

Cái van dầu Bắc Cực

Sau ExxonMobil của Mỹ, tập đoàn dầu mỏ ENI của Ý ngày 25-4 đã giành được quyền ký kết với “ông lớn” dầu mỏ Rosneft của Nga thỏa thuận chiến lược thành lập một liên doanh hợp tác đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ dầu tiềm năng trên Biển Barents và Biển Đen thuộc vùng Bắc Cực của Nga. Theo dự đoán của Chủ tịch Rosneft Eduard Khudainatov, liên doanh do ENI nắm giữ 33,3% cổ phần này sẽ đầu tư từ 50-70 tỉ USD để phát triển các mỏ dầu ở Biển Barents và khoảng 50-55 tỉ USD cho các mỏ dầu tại Biển Đen. Trước mắt, ENI sẽ chịu trách nhiệm đầu tư khoảng 2 tỉ USD cho việc thăm dò địa chất tại các dự án có trữ lượng ước tính 36 tỉ thùng dầu quy đổi.

Có mặt tại buổi lễ ký kết, Thủ tướng sắp mãn nhiệm - Tổng thống đắc cử Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Tôi tin chắc những dự án dầu mỏ ngoài khơi sẽ thành công và Chính phủ Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cho tiến trình hợp tác lâu dài với vốn đầu tư khổng lồ này”. Giám đốc điều hành ENI Paolo Scaroni còn đi xa hơn khi nói: “Tầm quan trọng của liên doanh còn là việc ENI-Rosneft sẽ mở rộng hợp tác khai thác dầu mỏ ở Bắc Phi, châu Âu và Bắc Mỹ”. Quả thật, để có được cái gật đầu của Rosneft, ENI phải chấp nhận chia sẻ các dự án dầu mỏ của mình bên ngoài nước Nga và qua đó giúp Rosneft tăng cường sự hiện diện trên quy mô toàn cầu.

Tương tự như vậy, cách đây 2 tuần, gã khổng lồ ExxonMobil của Mỹ cũng đã chính thức ký với Rosneft thỏa thuận thành lập liên doanh đầu tư 200-300 tỉ USD phát triển các dự án dầu khí trên Biển Kara (cũng thuộc Bắc Cực) và 55 tỉ USD trên Biển Đen có tổng sản lượng khoảng 36 tỉ thùng dầu quy đổi, tương đương 14 tháng tiêu thụ của toàn thế giới.

Việc Rosneft thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư dầu mỏ lớn ở Bắc Cực, theo hãng tin Anh Reuters, là một nỗ lực gấp bội của chính ông Putin trước ngày trở lại Điện Kremlin. Nước Nga đang đối mặt với tình trạng các giếng dầu khai thác từ thời liên bang Xô-viết chưa tan rã đang suy giảm sản lượng trong khi các công ty dầu mỏ nội địa thiếu công nghệ tiên tiến và vốn đầu tư cần thiết để khai thác các mỏ dầu nằm sâu dưới lòng các sông băng đầy hiểm trở, rủi ro ở Bắc Cực. Không chỉ nhằm “khơi dậy” tiềm năng dầu mỏ trong nước, ông Putin còn muốn các tập đoàn năng lượng quốc doanh vươn xa, vươn mạnh ra thế giới thông qua các đối tác phương Tây.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết