13/01/2012 - 10:16

Các vị thuốc từ mâm ngũ quả ngày Tết

Ngày Tết, hầu như các gia đình Việt Nam đều chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ để cúng bái tổ tiên. Ở miền Nam, mâm ngũ quả thường có 5 loại trái cây: mãng cầu, dừa, sung, đu đủ và xoài với mong muốn một năm no đủ, sung túc. Những loại trái cây kể trên còn là những vị thuốc dân gian khá thông dụng.

* Mãng cầu: (còn gọi là na, sa lê, mãng cầu ta)

 

Ngoài công dụng cho trái để ăn, các bộ phận còn có thể dùng làm thuốc: lá, hạt và quả.

Lá mãng cầu được nhân dân ta dùng để chữa sốt rét: chọn các lá không bị sâu, rửa sạch, vò lấy nước uống tươi hoặc sắc lấy nước uống. Liều dùng: người lớn 20 lá, trẻ em 10 lá, giã nhỏ, thêm ít nước lọc vào vắt lấy nước uống 2 giờ trước khi lên cơn sốt. Ngày chỉ dùng một liều, thường chỉ cần uống 3-4 ngày là hết.

Hạt mãng cầu giã nhỏ, nấu nước gội đầu hay xả quần áo dùng trừ chấy rận. Có thể ngâm hạt vào rượu, rồi dùng rượu mà gội đầu hoặc nhỏ vào tóc. Trong trường hợp này, vẫn cần tránh cho thuốc rơi vào mắt. Trái mãng cầu điếc (do bị nấm gây hại, trái tự nhiên có màu đỏ tím rồi rụng) còn được nhân dân ta sử dụng, giã nhỏ để đắp lên vú bị sưng.

m Sung:Nhựa sung được nhân dân ta coi là một vị thuốc rất quý để chữa bệnh nhức đầu và một số bệnh ngoài da như: chốc, nhọt, sưng đau, tụ máu. Nhựa sung hứng khoảng 1 chén (hoặc hơn), bôi trực tiếp vào chỗ đau, sưng đỏ đến đâu bôi đến đó, bôi nhiều lần một lúc. Có thể trộn nhựa sung với lá non, giã nát rồi đắp lên chỗ đau. Nếu mụn chưa có mủ thì đắp kín. Nếu đã vỡ mủ rồi thì đắp để hở một chỗ bằng hạt ngô. Khi đã có mủ, muốn lấy ngòi ra thì giã thêm một củ hành với nhựa và lá sung rồi đắp lên trên, để hở miệng. Nếu sưng vú, đắp hở đầu vú. Có thể chữa nhức đầu bằng cách dùng nhựa sung phết lên giấy bản, dán vào 2 bên thái dương. Nhựa sung hòa với mật ong uống trước khi đi ngủ có thể chữa được bệnh hen.

* Dừa: (còn gọi là giã tử)Trong y học, dầu dừa tinh chế dùng chế xà phòng. Nếu hydrogen hóa, ta sẽ được những tá dược dùng chế thuốc đạn (glyxerit bán tổng hợp). Đọt dừa non còn được dùng như một loại rau. Nước dừa để lên men cho một thứ rượu rất đặc biệt. Nước dừa non có tính chất thông tiểu, có thể dùng thay huyết thanh khi cần thiết.

m Đu đủ:Trái đu đủ xanh hoặc chín; hạt; hoa; nhựa đu đủ đều có thể dùng làm thuốc. Đu đủ chín được coi là món ăn bồi bổ và giúp cho sự tiêu hóa các chất thịt, các chất lòng trắng trứng. Đu đủ xanh nấu kỹ với thịt gà điều trị bệnh loét dạ dày. Quả đu đủ xanh nghiền với nước còn dùng bôi mặt hoặc tay để chữa các vết tàn hương.

Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, sỏi thận. Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm ống phổi, mất tiếng.

* Xoài:Vỏ quả xoài chín cũng như quả xoài có tác dụng cầm máu tử cung, khái huyết, chảy máu ruột. Dùng dưới dạng cao lỏng với liều dùng 10g cho vào 120ml nước, cách 1-2 giờ uống một thìa cafe. Tại miền Bắc, vỏ xoài được dùng để sắc uống chữa sốt hay chữa đau răng (ngậm và nhổ đi). Đơn thuốc chữa đau răng: vỏ xoài phơi khô 3 phần, quả me 1 phần, quả bồ kết 1 phần. Tất cả sấy khô, tán nhỏ. Cho vào nơi răng đau đã rửa sạch.

Nhựa vỏ cây xoài chảy ra có màu đen, không mùi, vị đắng hắc, ra không khí đặc lại, hòa vào nước chanh dùng bôi ghẻ.

H.V (th)

(Theo cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi - Nxb Thời Đại, HN 2011)

Bên cạnh ý nghĩa cầu cho một năm mới sung túc, các loại trái cây mâm ngũ quả ngày Tết còn là những vị thuốc quý. Ảnh: Internet

Chia sẻ bài viết