22/05/2015 - 13:00

Bước tiến trong giải quyết khủng hoảng người di cư ở Đông Nam Á

Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 21-5 đã ra lệnh cho Hải quân và Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của nước này tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ đối với những người di cư đang mắc kẹt trên biển.

Cũng trong hôm qua, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã tới Myanmar thảo luận với người đồng cấp U Wunna Maung Lwin về vấn đề người di cư bất hợp pháp trong khu vực. Tuy chính quyền Indonesia và Malaysia đã đồng ý cung cấp chỗ ở tạm thời cho một số người tị nạn, nhưng họ cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, dẫn lý do đây không chỉ là vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu.

Người nhập cư Rohingya và Bangladesh tại tỉnh Aceh, Indonesia.

Đáp lại lời kêu gọi trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ngày 20-5 cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Rohingya đến từ Myanmar. Theo bà Harf, hơn 1.000 người sắc tộc Hồi giáo Rohingya đã được tái định cư tại Mỹ kể từ tháng 10-2014. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng đã đến Myanmar vào hôm qua để kêu gọi nước này hợp tác với Bangladesh trong việc giúp đỡ người tị nạn đang trôi dạt trên biển. Tin vui là Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Thant Kyaw vừa thông báo nước này đồng ý tham gia đàm phán cấp khu vực về vấn đề người di cư Rohingya tại Bangkok vào ngày 29-5 tới. Myanmar lâu nay không coi người Rohingya (khoảng hơn 1 triệu người) là công dân của nước này và khẳng định họ là người nhập cư trái phép từ Bangladesh. Tuy nhiên, ông Thant Kyaw nói Myanmar sẽ nhận lại các thuyền nhân nếu họ là công dân Myanmar.

Trong khi đó, Gambia cho biết sẽ đón nhận tất cả người di cư Rohingya như một phần "nghĩa vụ thiêng liêng" của mình là giảm bớt nỗi đau của người Hồi giáo. Theo kế hoạch, Gambia sẽ đưa những người này vào các trại tị nạn.

ĐÔNG PHONG (Theo AFP, AP, Straits Times)

Chia sẻ bài viết