05/10/2009 - 21:03

Trường Đại học Cần Thơ

Bước chuyển mới để mở rộng ngành nghề

Những năm gần đây, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã thành lập một số khoa, trung tâm mới, như: Khoa Khoa học Chính trị, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Khoa Khoa học và Xã hội nhân văn… Việc thành lập các khoa mới nhằm tạo điều kiện đào tạo chuyên sâu cho các lĩnh vực, đồng thời, mở rộng ngành nghề đào tạo. Đây là một bước chuyển mới trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Khoa Khoa học và Xã hội nhân văn (KH&XHNV) được thành lập gần đây nhất, ngày 16-7-2009. Khoa thành lập trên cơ sở chuyển dịch nguồn lực cán bộ và các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực KH&XHNV từ Khoa Sư phạm, Trung tâm học liệu và các đơn vị khác thuộc trường. Khoa KH&XHNV đang quản lý giảng dạy các ngành, chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học thuộc lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, ngoại ngữ, nghệ thuật, sức khỏe, thư viện,... Đồng thời, nghiên cứu và phát triển các qui trình, giải pháp liên quan đến lĩnh vực KH&XHNV ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Trưởng khoa KH&XHNV, cho biết: “Từ trước đến nay, khu vực phía Nam chỉ có Trường Đại học KH&XHNV TP Hồ Chí Minh. ĐBSCL đang rất cần nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&XHNV. Sự ra đời của khoa KH&XHNV, Trường ĐHCT, là nhằm đáp ứng nhu cầu này”.

Khoa KH&XHNV, Trường ĐHCT, đang đào tạo khoảng 2.000 sinh viên, học viên thuộc 6 ngành ở bậc đại học và sau đại học. Theo ông Nguyễn Hoàng Vinh, năm học 2010-2011, khoa đề xuất mở 2 ngành: Cử nhân Pháp văn và Cử nhân Thông tin thư viện hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học. Trước đây, khoa KH&XHNV dự định mở 3 ngành học mới: Văn hóa học, Quan hệ quốc tế, Báo chí vào năm 2010-2011 nhưng các ngành này đã được lùi lại đến năm 2011-2012. Ông Nguyễn Hoàng Vinh cho biết: “Trước khi quyết định mở ngành mới, chúng tôi cân nhắc kỹ 3 tiêu chí: “đầu vào”, “đầu ra”, năng lực đào tạo của đơn vị. Ở thời điểm hiện nay, phần đông phụ huynh, thí sinh vẫn còn e ngại về “đầu ra”, tức cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, của ngành Văn hóa học. Ngành Báo chí thì nhu cầu xã hội cao nhưng năng lực của khoa chỉ mới tự đảm trách được 1/3 môn học nên khó mở ngành”.

 Sinh viên lớp Cử nhân Anh Văn khóa 35 và là khóa đầu tiên của Khoa KH&XHNV, Trường ĐHCT đang báo cáo nhóm, trong giờ học nghe- nói.

Khoa Khoa học Chính trị cũng là một trong những khoa mới của Trường ĐHCT. Hiện nay, khoa chỉ quản lý đào tạo ngành Sư phạm Giáo dục công dân. Khoa đã chỉnh sửa lại đề án của 3 ngành học mới: Cử nhân Chính trị học, Kinh tế chính trị, Triết học để trình, xin phép tuyển sinh vào năm 2010-2011. Theo ông Lê Ngọc Triết, Phó Trưởng khoa, trước khi mở các ngành học này, khoa đã khảo sát nhu cầu xã hội. Kết quả khảo sát cho thấy ĐBSCL có nhiều tiềm năng kinh tế nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; đặc biệt, rất thiếu nguồn lực trong lĩnh vực lý luận chính trị, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Lê Ngọc Triết cho biết: “Đặc thù của các ngành học liên quan đến lĩnh vực chính trị là sự khô khan. Vì thế, khoa thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề giúp giảng viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy đồng thời nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên”. Đào tạo theo học chế tín chỉ, các ngành học của Khoa Khoa học Chính trị có 3 khối kiến thức với 120 tín chỉ: đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành. Dựa vào chương trình khung, khoa rà soát, điều chỉnh “phần mềm” sao cho sát hợp với yêu cầu thực tế của vùng ĐBSCL, nhất là đối với ngành Triết học. Ông Lê Ngọc Triết nói: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài lực lượng cơ hữu của khoa, chúng tôi còn thỉnh giảng cán bộ của Học viện Chính trị vùng IV”.

Trang bị cho sinh viên kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, cũng như kỹ năng thực hành là những vấn đề quan trọng để nâng cao hiệu quả đào tạo. Với mục tiêu đào tạo cán bộ chuyên về môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên đã trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm chất lượng môi trường, phòng thí nghiệm tài nguyên sinh vật, phòng thí nghiệm quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên,... Theo bà Trương Hoàng Đan, Phó Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, phần lớn những phòng thí nghiệm này được xây dựng từ nguồn kinh phí của các chương trình hợp tác quốc tế. Ngoài ra, còn có khu thực hành thí nghiệm đặt tại Trung tâm Nghiên cứu- Thực nghiệm - Đa dạng sinh học Hòa An (Hậu Giang), Viện DRAGON... Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- một đơn vị mới được thành lập chưa đến 2 năm, trên cơ sở Bộ môn Kỹ thuật môi trường và Tài nguyên nước (Khoa Công nghệ) và Bộ môn Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng)- thực hành, thực tập. Bà Trương Hoàng Đan nhấn mạnh: “Chúng tôi rất coi trọng kiến thức thực tế. Vì vậy, trong chương trình đào tạo, khoa tạo điều kiện cho sinh viên tham quan, học tập ở Tràm Chim (Đồng Tháp), Cần Giờ (TP HCM)... để các em có thêm kiến thức thực tế về môi trường”.

Trường ĐHCT hiện có 12 khoa, 3 viện và 8 trung tâm trực thuộc. Trong những năm qua, trường liên tục mở thêm các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là những bước chuyển quan trọng góp phần phát triển đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, có trình độ cao cho khu vực ĐBSCL.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết