04/12/2021 - 15:25

BRI lại có thêm đối trọng 

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố dự án huy động 300 tỉ euro (tương đương 340 tỉ USD) trong khuôn khổ chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” nhằm đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng sạch, mạng lưới giao thông, cũng như thúc đẩy hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu trên toàn thế giới, đặc biệt là cạnh tranh ảnh hưởng với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của
Trung Quốc.

Công nhân xây dựng một tuyến đường sắt thuộc BRI. Ảnh: CNN

Đầu tư rộng khắp

Ủy ban châu Âu (EC) trong một tuyên bố cho biết, 18 tỉ euro trong số này sẽ được viện trợ không hoàn lại, trong khi hơn 280 tỉ euro còn lại sẽ là tiền đầu tư từ các quốc gia thành viên, các ngân hàng phát triển, khu vực tư nhân cũng như các cơ quan tài chính của EU.

Theo CNN, số tiền trên sẽ được EU đầu tư phát triển tuyến cáp quang giữa các quốc gia, hệ thống truyền thông vệ tinh và cơ sở hạ tầng đám mây để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác toàn cầu, chia sẻ dữ liệu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, nguồn quỹ này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xây dựng trường học tại các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và châu Âu.

Ðáng chú ý, EU cũng có kế hoạch tích hợp các hệ thống năng lượng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và hợp tác với các nước khác để thúc đẩy sản xuất hydro tái tạo. Ðược biết, khối này đến nay đã cam kết tài trợ 2,4 tỉ euro cho các quốc gia vùng châu Phi cận Sahara và 1 tỉ euro cho Bắc Phi để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo.

EU cũng sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, gồm đường sắt, đường bộ, cảng, sân bay cũng như các cửa khẩu, để giúp các nước phát triển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Brussels tuyên bố sẽ cung cấp thêm 4,6 tỉ euro để phát triển các liên kết giao thông bền vững, gồm thiết lập mạng lưới xuyên Ðịa Trung Hải nhằm kết nối các nước Bắc Phi với khối này.

Ðể đối phó đại dịch COVID-19, chiến lược mới của EU là giúp các nước phát triển năng lực tự sản xuất vaccine và đa dạng hóa chuỗi cung ứng dược phẩm. EU còn muốn đầu tư hơn nữa vào ngành giáo dục trên toàn cầu, gồm mở rộng chương trình học trực tuyến. Thông qua quan hệ đối tác của mình, EU thu hút các chuyên gia trẻ đến châu Âu làm việc hoặc học tập và “bơm” thêm 400 triệu euro vào chương trình trao đổi sinh viên Erasmus+. “EU sẽ cung cấp tài chính theo các điều khoản công bằng và thuận lợi để hạn chế rủi ro nợ nần. Các đối tác sẽ phải tuân thủ pháp quyền, duy trì các tiêu chuẩn về con người, xã hội và quyền của người lao động cũng như tôn trọng các chuẩn mực, từ các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đến sở hữu trí tuệ” - EC trong một tuyên bố nhấn mạnh.

Không tạo ra “nợ không bền vững”

Phát biểu khi công bố chi tiết quy mô tài chính của chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen công khai nhận định, chiến lược mới của châu Âu sẽ là đối trọng với BRI, vốn bị cáo buộc khiến nhiều quốc gia “lâm nợ” kể từ khi được khởi xướng vào năm 2013. Bà Leyen tự tin cho rằng, châu Âu có thể đem lại lựa chọn “thay thế thực sự” cho các quốc gia đang phát triển tại các châu lục khi tìm kiếm các dự án cơ sở hạ tầng, qua đó cam kết chiến lược mới của EU sẽ không tạo ra “nợ không bền vững” ở các nước đối tác. Theo bà Leyen, chiến lược của châu Âu sẽ kết nối với chiến lược “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W)” được các nguyên thủ Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) công bố hồi tháng 6-2021.

Nói với tờ Bloomberg, Michael Clauss, đại sứ Ðức tại EU nhận định rằng “Cửa ngõ toàn cầu” có tiềm năng giúp EU giữ vai trò địa chính trị to lớn hơn. “Ðối với nhiều quốc gia đối tác, đề xuất hợp tác dựa trên quy tắc và giá trị sẽ là một sự thay thế hấp dẫn cho BRI” - ông Clauss nói thêm.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào xây dựng đường bộ, đường sắt và cảng trên khắp thế giới để tạo ra liên kết thương mại và quan hệ ngoại giao mới. Theo Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại Mỹ, tính đến tháng 3 năm nay, 139 nước đã tham gia BRI. Thế nhưng, EU luôn cho rằng Bắc Kinh sử dụng BRI để mở rộng ảnh hưởng chính trị, không chỉ tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi mà còn tại cả một số nước thành viên EU cũng như các nước láng giềng ở khu vực Balkan.

Song, một điều chắc chắn rằng EU sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cạnh tranh với BRI, bởi sáng kiến của EU “sinh sau đẻ muộn”, trong khi BRI lại là sáng kiến trị giá hàng ngàn tỉ USD. Riêng sáng kiến B3W do Mỹ đề xuất hy vọng đóng góp đáng kể vào nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển, ước tính lên tới khoảng 40.000 tỉ USD từ nay đến năm 2035.

EU mới đây đã khởi động Sáng kiến xanh của Nhóm châu Âu với ASEAN trị giá 30 triệu euro. Sáng kiến này giúp tăng cường quan hệ đối tác EU - ASEAN trong các lĩnh vực, bao gồm hành động khí hậu; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; chuyển đổi năng lượng sạch; nâng cao khả năng chống chịu với các thảm họa thiên tai; ngăn chặn khai thác gỗ trái phép; buôn bán động vật hoang dã và ô nhiễm không khí. Đây được coi là hình thức “ngoại giao xanh” nhằm tăng cường sự hợp tác của EU với Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc không ngừng cạnh tranh tại khu vực này. 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết