27/01/2011 - 09:00

Brazil đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo

Các báo cáo mới đây về nạn đói trên thế giới của Tổ chức Bánh mì Thế giới (Mỹ), Tổ chức phi chính phủ ActionAid và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đều đánh giá cao các mô hình xóa đói, giảm nghèo tại Brazil và tôn vinh quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ này là lá cờ đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.

Đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

Theo báo cáo của Tổ chức Bánh mì Thế giới, kinh nghiệm từ mô hình xóa đói nghèo Fome Zero của Brazil mang đến nhiều bài học quí giá cho các nước đang phát triển. Chương trình phúc lợi xã hội lớn nhất tại Brazil này đã góp phần giúp xứ sở vũ điệu samba vừa đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của mình: giảm tỷ lệ hộ nghèo đến 50% chỉ trong 5 năm (2003-2008), trong đó diện đặc biệt nghèo giảm đến 48%.

Năm 1992, có khoảng 11,25 dân số Brazil sống với mức thu nhập ít hơn 1 USD (gần 20.000 đồng)/ngày. Đến 2006, tỷ lệ này chỉ còn 4,7%, trong khi đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil tăng với tỷ lệ trung bình hằng năm là 1,3%. Tuy mức tăng trưởng này không cao so với một số nước đang phát triển tại châu Á nhưng điều đáng chú ý thu nhập của những người nghèo nhất (chiếm 40% dân số) đã tăng 12%.

 Nhà hàng bình dân tại Belo Horizonte. Ảnh: famvin

Mô hình Fome Zero được xúc tiến ngay sau ngày ông Luiz Inacio Lula da Silva (được người dân gọi thân mật là Lula) nhậm chức Tổng thống Brazil năm 2003. Đây là chiến lược phát triển năng động, chống đói nghèo, đồng thời vẫn duy trì các mối quan hệ hợp tác hiện hữu trong nền kinh tế. Fome Zero kêu gọi tất cả người dân Brazil chung tay xóa đói, giảm nghèo. Mọi cá nhân được khuyến khích đóng góp thức ăn và tiền bạc cho các hội từ thiện địa phương hoặc trực tiếp cho chương trình. Dưới thời của ông Lula, Chính phủ Brazil thành lập Bộ Phát triển xã hội và xóa đói, do ông Patrus Ananias làm Bộ trưởng. Ông Ananias là “kiến trúc sư” của Fome Zero, mô hình được ông thực hiện thí điểm thành công tại Belo Horizonte, thủ phủ bang Minas Gerais, biến thành phố lớn thứ 3 của đất nước khoảng 190 triệu dân thành nơi hoàn toàn không còn nạn đói.

Ông Ananias cùng các cộng sự của mình đã chỉ đạo nhân rộng Fome Zero trên toàn đất nước với những chương trình ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, Bolsa Familia là chương trình mục tiêu ngắn hạn chính, giúp Brazil gia tăng đáng kể nguồn quỹ, từ 649 triệu USD năm 2001 lên 4,95 tỉ USD năm 2009. Bolsa Familia cho phép các hộ nghèo nhất đất nước nhận hỗ trợ tài chính trực tiếp từ chính phủ. Theo báo cáo của ActionAid và LHQ, chương trình chiếm 2% tổng nguồn ngân sách liên bang Brazil đến được với khoảng 12 triệu hộ gia đình (số người được hưởng chiếm khoảng 25% dân số đất nước).

Nâng cao vai trò và uy tín của chính phủ

Tổ chức Bánh mì Thế giới nhận định chìa khóa thành công của các chương trình này là nhắm vào đúng các nhóm đối tượng cần được hỗ trợ nhất trong xã hội Brazil. Cũng như nhiều nước trên thế giới, những nông dân nhỏ, lẻ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong diện người nghèo và đói ở Brazil. Tuy nhiên, những nông dân này chiếm đến 70% lực lượng lao động nông thôn tại Brazil. Chương trình Fome Zero nhắm đến các hộ nông dân nhỏ, cung cấp vốn và kỹ thuật giúp họ có thể nuôi trồng và cung ứng thức ăn cho chương trình quốc gia về bữa ăn cho học sinh trong nhà trường. Điều này vừa đảm bảo phát triển nông nghiệp, vừa giúp cải thiện chất lượng bữa ăn trong các trường học.

Ông Ananias chủ trương thành lập các chợ ven đường, nơi nông dân có thể trực tiếp bày bán các sản phẩm vừa thu hoạch. Với cách làm này, họ có thể cải thiện được thu nhập do không phải chịu ép giá từ thương lái, phí vận chuyển... Đồng thời, người dân Brazil có điều kiện mua được thức ăn ngon với giá rẻ hơn rất nhiều vì giá thực phẩm đã qua nhiều trung gian có thể tăng 100% so với giá ban đầu. Các siêu thị cũng phải đồng loạt niêm yết giá và bán với giá “mềm” hơn để thu hút nguồn khách hàng. Những nhà hàng bình dân cũng được khuyến khích phát triển. Do nguồn cung cấp thực phẩm tại địa phương, các nhà hàng bình dân này cung cấp được thức ăn tươi ngon nhưng phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng trong xã hội hơn.

Tổ chức Bánh mì Thế giới cho biết sự hỗ trợ của Fome Zero còn mang đến việc tiêm vắc-xin đều đặn cho trẻ em và giúp ngày càng nhiều trẻ em được đi học. Hoạt động trợ cấp thức ăn của chương trình này cũng góp phần cải thiện an ninh lương thực tại Brazil. Theo đánh giá của ActionAid và LHQ, chính phủ của ông Lula gần như đã thực hiện tốt lời cam kết ban đầu của họ với người dân Brazil khi kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo vào cuối năm 2010. Sự thành công ấn tượng của các chương trình phúc lợi xã hội, mà đi đầu là công tác xóa đói giảm nghèo đã tạo niềm tin lớn lao trong dân chúng Brazil và giúp Đảng công nhân (PT) tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo. Người kế nhiệm ông Lula, bà Dilma Rousseff cũng tuyên bố tiếp nối sự nghiệp xóa đói giảm nghèo tại quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới này.

THUẬN HẢI
(Theo Hunger Report 2011, Rio Times, Yes Magazine)

THUẬN HẢI (Theo Hunger Report 2011, Rio Times, Yes Magazine)

Chia sẻ bài viết