Đúng như dự báo, cuộc tổng tuyển cử ở Hy Lạp ngày 6-5 đã cho kết quả không có tương lai hứa hẹn giải quyết vấn đề nợ công và số phận của nước này trong Khu vực đồng euro (Eurozone). Hai chính đảng trong liên minh cầm quyền ủng hộ biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là đảng xã hội PASOK và đảng Dân chủ Mới chỉ giành được hơn 32% số phiếu ủng hộ và chỉ chiếm 149 ghế trong quốc hội 300 thành viên.
Theo kết quả sơ bộ, đảng Dân chủ Mới đã về đầu với gần 19% số phiếu, trong khi PASOK lại thất bại ê chề khi đứng thứ ba với 13,2% số phiếu ủng hộ. Liên minh Cánh tả đã bất ngờ chiếm vị trí thứ hai với 16,8% số phiếu. Còn nhớ trong cuộc bầu cử năm 2009, PASOK từng giành thắng lợi vang dội với 43,9% số phiếu và đảng Dân chủ Mới đạt tới 33,5%, trong khi đảng Liên minh Cánh tả khi ấy chỉ kiếm được vỏn vẹn có 4,6% số phiếu ủng hộ. Thủ lĩnh của Liên minh Cánh tả, ông Alexis Tsipras, mới 37 tuổi, là nhà lãnh đạo chính trị trẻ nhất tại xứ sở của những câu chuyện thần thoại. Chưa hết, với 7% số phiếu đạt được, đảng cực hữu Golden Dawn (Bình minh Vàng) lần đầu tiên sẽ có đại diện trong Quốc hội Hy Lạp kể từ khi chế độ quân sự độc tài sụp đổ năm 1974.
Theo Hiến pháp Hy Lạp, Tổng thống Karolos Papoulias sẽ chỉ định người đứng đầu đảng phái lớn nhất trong cuộc tổng tuyển cử đứng ra thành lập chính phủ trong vòng 3 ngày và nếu thất bại, đảng lớn kế tiếp thứ hai và thứ ba có thể lần lượt được yêu cầu làm việc này. Nếu tất cả lại không xong, một cuộc bầu cử mới được tiến hành khoảng 3 tuần sau đó.
Như đã đề cập, chỉ có hai chính đảng trong liên minh cầm quyền vừa mãn nhiệm là đảng Dân chủ Mới và PASOK bỏ phiếu thông qua các biện pháp thắt chặt chi tiêu công để nhận được gói cứu trợ trị giá 240 tỉ euro của EU và IMF. Nhưng hiện nay, hai đảng này không chiếm đủ đa số 151 ghế trong Quốc hội Hy Lạp để tiếp tục thực hiện chương trình cải cách đã thông qua. Trong khi đó, các đảng như Liên minh Cánh tả, Golden Dawn và Dân chủ Mới đều tuyên bố phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu công. Có điều, những đảng phái này lại khó tìm được tiếng nói chung để có thể thành lập một liên minh thay thế.
Nhà phân tích Diego Iscaro của hãng nghiên cứu HIS Global Insight cho rằng với tình hình hiện thời, không chắc sẽ có một chính phủ ủng hộ hay chống chương trình viện trợ của EU/IMF. Trong trường hợp một chính phủ mới có được thành lập đúng thời hạn, thì theo nhận định của Diego Iscaro, Quốc hội Hy Lạp cũng khó thông qua chính sách tài khóa mới. Tháng sau, Quốc hội Hy Lạp phải phê chuẩn gói cắt giảm chi tiêu mà dư luận cho là “đầy đau đớn” hơn 11 tỉ euro cho năm 2013 và 2014 để đổi lại sự viện trợ của EU và IMF.
Cuộc bầu cử vừa qua từng được hy vọng là cơ hội giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ phá sản và trụ lại được ở Eurozone, nhưng xem ra nước này vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
ĐỨC TRUNG (Theo Reuters)