12/08/2018 - 08:52

Biểu tình phản đối chính phủ Romania biến thành bạo lực 

Theo AFP, cảnh sát Romania hôm 10-8 đã phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình chống tham nhũng tại Thủ đô Bucharest, sau khi hàng chục ngàn người xuống đường tuần hành để yêu cầu chính phủ từ chức và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Cảnh sát chống bạo động Romania xịt vòi rồng vào người biểu tình tại Bucharest hôm 10-8. Ảnh: Reuters
Cảnh sát chống bạo động Romania xịt vòi rồng vào người biểu tình tại Bucharest hôm 10-8. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết một số người biểu tình tại Bucharest đã cố vượt qua các đường an ninh bảo vệ tòa nhà chính phủ. Một số người khác ném chai lọ và đá vào cảnh sát chống bạo động. Do cuộc biểu tình tiếp diễn đến tối 10-8, lực lượng cảnh sát chống bạo động đã phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông. Nhiều người đã bị bắt giữ sau vụ xô xát. Sau vụ đụng độ, cơ quan can thiệp khẩn cấp ISU cho biết hơn 440 người cần hỗ trợ y tế, trong đó có khoảng 20 cảnh sát chống bạo động. Trong khi đó, hàng ngàn người khác cũng tham gia biểu tình trong hòa bình tại nhiều thành phố của Romania, bao gồm Cluj ở Tây Bắc, Sibiu ở miền Trung và Timisoara ở phía Tây.

Giới truyền thông trong nước cho hay có 50.000 - 80.000 người đã tham gia biểu tình, trong đó có nhiều người từ nước ngoài trở về để bày tỏ sự tức giận trước tình trạng tham nhũng tại Romania, một trong những quốc gia tham nhũng nhất Liên minh châu Âu (EU). Theo số liệu chính thức, ước tính có 4 triệu người Romania đang làm việc ở nước ngoài với phân nửa trong số đó đang sống tại Ý và Tây Ban Nha. Năm ngoái, họ gửi về nước nhà 4,3 tỉ euro - chiếm gần 2,5% GDP của Romania.

Được biết, các cuộc biểu tình hòa bình đã nhiều lần được tổ chức kể từ khi của đảng Dân chủ Xã hội (PSD) lên cầm quyền vào đầu năm 2017 và cố hợp pháp hóa một số tội tham nhũng. Đầu năm nay, việc PSD thúc đẩy những thay đổi đối với bộ luật hình sự thông qua tại quốc hội làm dấy lên sự tranh cãi từ Ủy ban châu Âu và Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy vậy, những thay đổi này hiện đang được Tòa án Hiến pháp Romania xem xét.

Trước đó, hàng trăm ngàn người Romania đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu luật cấm người bị truy tố về tội tham nhũng và các tội khác khỏi các công việc chính trị. Nhưng yêu cầu này có thể không thành công vì PSD và các đồng minh của họ chiếm đa số tại Quốc hội.

ĐÔNG PHONG (Theo AP)

Chia sẻ bài viết