18/07/2024 - 22:25

Biểu tình bạo lực lan rộng ở Bangladesh 

Trên khắp Bangladesh, hàng ngàn sinh viên từ các trường đại học công lập và tư thục đang biểu tình để phản đối hạn ngạch việc làm trong khu vực công. Hoạt động này diễn ra trong nhiều tuần và hiện trở nên bạo lực, buộc chính phủ đóng cửa tất cả cơ sở giáo dục bậc cao cũng như lập ủy ban điều tra.

Người biểu tình  Bangladesh phản đối chính sách tuyển dụng công chức của nước này. Ảnh: AP

Theo trang tin Al-Jazeera, sinh viên Ðại học Dhaka và Ðại học Chittagong là những người đầu tiên tham gia phản đối hệ thống hạn ngạch công chức theo phong trào Sinh viên chống phân biệt đối xử. Ngày 16-7, biểu tình leo thang thành bạo lực dữ dội khi những người phản đối và cánh sinh viên thuộc đảng Liên đoàn Awami cầm quyền tấn công lẫn nhau khiến hơn 100 người bị thương.

Bạo lực lan rộng trong đêm đến Ðại học Jahangir Nagar khiến hàng chục người bị thương. Sang ngày 17-7, hãng tin Reuters cho biết đụng độ tiếp tục bùng phát khi lực lượng an ninh được triển khai bên ngoài khuôn viên Ðại học Dhaka. Cảnh sát đã bắn hơi cay, đạn cao su và ném lựu đạn khói để giải tán dòng người đang hô vang các khẩu hiệu “Chúng ta sẽ không để máu của anh em mình đổ vô ích”.

Theo cảnh sát Bangladesh, đã có 6 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở nhiều nơi. Trước bất ổn ở quốc gia Nam Á, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Chính phủ Bangladesh bảo vệ người biểu tình trước mọi mối đe dọa hoặc bạo lực. Trong hành động mới nhất, chính quyền Thủ tướng Sheikh Hasina quyết định hủy tất cả buổi học tại các trường đại học và trường dòng Hồi giáo trên cả nước. Bà Hasina còn tuyên bố lập một ủy ban tư pháp để điều tra các vụ chết người.

Tại sao sinh viên Bangladesh biểu tình?

Các cuộc biểu tình là thách thức đáng kể đầu tiên với chính phủ của Thủ tướng Hasina, kể từ khi bà giành nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp vào tháng 1 trong cuộc tổng tuyển cử bị đảng Dân tộc Bangladesh đối lập tẩy chay. Ðược biết, làn sóng biểu tình ở Bangladesh bắt đầu từ 1-7, vài ngày sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết khôi phục hạn ngạch việc làm 30% trong khu vực công dành riêng cho con cháu những người tham gia chiến tranh giành độc lập khỏi Pakistan năm 1971. Hệ thống này đã bị bãi bỏ vào năm 2018 sau các cuộc biểu tình rộng khắp Bangladesh.

Nói với Reuters, điều phối viên của các cuộc biểu tình Nahid Islam cho biết việc làm trong chính phủ với mức lương cao là hy vọng duy nhất của người trẻ Bangladesh trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên. Hiện có hơn một nửa các vị trí đã được dành riêng cho một số nhóm nhất định. Sinh viên họ không phản đối hệ thống hạn ngạch nói chung khi vẫn ủng hộ dành chỗ cho các nhóm khác như phụ nữ, dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Song, việc dành tới 30% hạn ngạch tuyển dụng công chức cho nhóm đối tượng đã nêu có thể tước đi cơ hội việc làm của nhiều người trẻ. Ðặc biệt là lo ngại về tính chính xác của danh sách gia đình các cựu chiến binh, trong đó có ý kiến cho rằng hạn ngạch này mang tính phân biệt đối xử khi đem lại lợi thế bất công cho một bộ phận ủng hộ Thủ tướng Hasina.

Trong khi có cảnh báo các cuộc biểu tình mang hơi hướng chính trị, những người tham gia tuyên bố họ không liên kết với bất kỳ đảng phái nào. Ðược biết, Thủ tướng Hasina trong cuộc họp báo ngày 15-7 đã từ chối đáp ứng các yêu cầu của sinh viên và gọi họ là “razakar” - thuật ngữ mang tính miệt thị ở Bangladesh ám chỉ những người bị cáo buộc cộng tác với quân đội Pakistan trong cuộc chiến năm 1971. Với những mâu thuẫn này, các chuyên gia cảnh báo việc chính phủ phản ứng cứng rắn khi tăng cường cảnh sát và lực lượng bán quân sự sẽ khó sớm dập tắt làn sóng biểu tình, thậm chí dẫn đến bất ổn và làm sâu sắc thêm chia rẽ trong xã hội Bangladesh.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết