 |
Julian Assange một lần nữa làm “chấn động” dư luận Úc. Ảnh: AP |
Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange, người từng làm chấn động cả thế giới bằng “quả bom tấn” đầu tiên vỡ tung ra hàng chục ngàn tài liệu ngoại giao mật của Mỹ năm 2011, muốn tranh cử một ghế trong Thượng viện Úc trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 8 năm tới, dù công dân xứ chuột túi này đang bị quản thúc tại gia ở tận xứ sương mù và có nguy cơ bị dẫn độ sang Thụy Điển để hầu tòa vì cáo buộc “tội phạm tình dục”. Chẳng những thế, WikiLeaks còn tuyên bố sẽ đề cử một ứng viên nhắm trực tiếp vào chiếc ghế Hạ nghị sĩ của Thủ tướng Úc Julia Gillard ở khu vực bầu cử Lalor (bang Victoria). Vẫn chưa rõ ứng viên thứ hai của WikiLeaks là ai và Assange sẽ tranh cử ở khu vực nào. Nhưng chuyện thật như đùa ấy của WikiLeaks và Assange đã một lần nữa làm “nóng” dư luận Úc, buộc chính quyền của bà Gillard phải lên tiếng yêu cầu cảnh sát Úc điều tra xem liệu kế hoạch ấy của WikiLeaks và Assange có phạm luật hay không và cảnh sát đã xác nhận rằng kế hoạch đó hoàn toàn hợp pháp.
Luật pháp Úc quy định người phạm tội bị kết án từ 12 tháng tù giam trở lên sẽ mất quyền công dân, tức không thể ứng cử. Tuy nhiên, luật lại không áp dụng đối với trường hợp phạm tội hoặc bị kết tội ở nước ngoài. Còn nhớ, sau khi tiết lộ tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ để rồi lâm vào tình thế có thể bị Mỹ truy tố trách nhiệm hình sự với cáo buộc “khủng bố công nghệ cao”, Assange đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Gillard là đã không bảo vệ công dân chống lại áp lực từ phía Mỹ. Cảnh sát Úc khi ấy đã kết luận rằng WikiLeaks và Assange không vi phạm bất kỳ luật nào của Úc khi công bố nội dung các tài liệu ngoại giao mật của Mỹ, dù bà Gillard lên án hành động đó là “cực kỳ vô trách nhiệm”.
Có điều rất ít công dân Úc trúng cử vào cơ quan lập pháp của nước này nếu không được một chính đảng lớn ủng hộ. Theo hãng tin Mỹ AP, trong số 76 Thượng nghị sĩ đương nhiệm ở Úc chỉ có một người không đại diện cho đảng nào cả. Ấy vậy mà, các cuộc bầu cử ở Úc lại thường thu hút nhiều người đăng ký làm ứng cử viên, dù họ thừa biết chẳng nhiều hy vọng thắng cử. AP cho rằng nguyên do một phần là vì họ muốn “tranh phiếu” để phục vụ cho mục đích chính trị và cả... kinh tế. Theo John Wanna, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Úc, Assange có thể tranh cử nếu vẫn có tên trong danh sách cử tri của Úc dù sống ở nước ngoài đã nhiều năm. Wanna cho rằng có nhiều yếu tố ngăn cản Assange trở thành Thượng nghị sĩ, nhưng với sự nổi tiếng của mình, ông có thể có được hơn 4% số phiếu tại bang đề cử. Khi đó, theo luật định, Assange có thể nhận lại hơn 2 USD tính trên một lá phiếu từ ngân sách chính phủ để chi trả cho chi phí tranh cử, vị chi Assange có thể bỏ túi cả trăm ngàn USD từ tiền đóng thuế của dân Úc. Thế nhưng, có lẽ Assange không đơn giản nhắm tới mục tiêu ấy.
NHẬT QUANG