09/08/2013 - 12:37

Bệnh van tim và những điều cần biết

Chương trình Thầy thuốc gia đình do BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long phối hợp với VTV Cần Thơ 2 phát sóng trực tiếp vào 20h Chủ nhật, 28-7-2013, chủ đề Bệnh van tim và những điều cần biết. Có những câu hỏi của quý bà con chưa được 2 diễn giả là ThS. BS. Ngô Đức Hải, Trưởng khoa Ngoại B, Trưởng Trung tâm Tim mạch lồng ngực BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long và BS. CKII. Chu Văn Vinh, Khoa Nội Tim mạch của bệnh viện, trả lời trực tiếp. Chuyên trang Sức khỏe của Báo Cần Thơ xin giới thiệu những câu hỏi điển hình.

Phạm Văn Thinh, Sóc Trăng, SĐT: 01206765968

Hỏi: Tôi 64 tuổi bị thiếu máu cơ tim. Có liên quan đến bệnh van tim không?

Trả lời: Bệnh thiếu máu cơ tim hay đúng hơn là bệnh tim thiếu máu cục bộ là bệnh tổn thương cơ tim do hẹp hay tắc một hoặc nhiều mạch máu nuôi tim. Trước đây người ta hay chẩn đoán thiếu máu cơ tim dựa trên điện tim. Tuy nhiên siêu âm tim, điện tim thường chỉ đưa ra những dấu hiệu nghi ngờ. Chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương và quyết định cách thức điều trị được dựa trên “ tiêu chuẩn vàng” là kết quả chụp mạch máu nuôi tim hay còn gọi là chụp mạch vành bằng máy chụp mạch kỹ thuật số (DSA) – đây là một kỹ thuật rất hiện đại và ít có nơi thực hiện được. BV Hoàn Mỹ Cửu Long đã triển khai kỹ thuật này từ tháng 12-2012.

Thiếu máu cơ tim tiến triển nặng dẫn đến nhồi máu cơ tim. Khi đó tổn thương cơ tim nặng nề có thể làm hoại tử các cột cơ, đứt các dây chằng gây ra bệnh hở van tim, đặc biệt là van 2 lá. Ngoài ra thiếu máu cơ tim kéo dài có thể làm giãn các buồng tim dẫn đến hở van tim thứ phát. Vậy anh nên khám và chụp mạch vành để xác định mức độ bệnh để kịp thời điều trị.

Các bác sĩ của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đang nhìn vào màn hình DSA để đặt stent nong mạch vành cho một bệnh nhân. Ảnh: M.NGUYỆT

Lâm Thị Huỳnh Giao 20 tuổi, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu

Hỏi: Tôi bị thông liên nhĩ, tăng DMB. Bác sĩ kêu mổ. Nếu không mổ uống thuốc có hết không? Xin bệnh viện cho biết chi phí ca mổ và có được hưởng BHYT?

Trả lời: Thông liên nhĩ là bệnh tim bẩm sinh, do lỗ thông lớn giữa nhĩ phải và nhĩ trái. Nếu được bít lỗ thông này sớm, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn và phát triển bình thường. Trái lại, bệnh có thể tiến triển nặng dần với biến chứng là tăng áp lực động mạch phổi (ĐMP), suy tim. Nếu áp lực ĐMP tăng quá cao và kéo dài, toàn bộ hệ ĐMP bị hỏng, lúc đó bệnh nhân sẽ khó thở thường xuyên, giảm tuổi thọ vì y học gần như không thể can thiệp được. Đóng lỗ thông liên nhĩ có thể bằng mổ hở hoặc trong nhiều trường hợp có thể đơn giản hơn bằng cách bít dù thông liên nhĩ qua da không phải mổ hở. Không có thuốc nào có thể làm cho lỗ thông bít lại. Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã thực hiện được kỹ thuật bít dù thông liên nhĩ qua da. Trước tiên bệnh viện sẽ tư vấn miễn phí cho bạn. Về chế độ BHYT bạn sẽ được bệnh viện khấu trừ, nhưng số tiền khấu trừ phải căn cứ theo kỹ thuật điều trị. Khi bạn nhập viện, bệnh viện sẽ khám và tư vấn thật đầy đủ.

Trần Thị  Kim Hai, tỉnh Hậu Giang SĐT: 0939210714

Hỏi: Tôi thường xuyên bị mệt, dễ bị ngất xỉu. Hỏi vậy có phải bị thiếu máu tim hay hở van tim không?

Trả lời: Mệt và ngất xỉu do nhiều nguyên nhân gây ra. Chia thành 2 nhóm:

- Nhóm nguyên nhân tại tim: thiếu máu cơ tim, hở van tim, rối loạn nhịp tim, hẹp van động mạch chủ, rối loạn hệ thần kinh tự động của tim, suy tim…

- Nhóm nguyên nhân ngoài tim: Rối loạn thần kinh chức năng, rối loạn điện giải, hạ đường máu, thiếu máu não, căng thẳng thần kinh…

Đối với tình trạng bệnh của chị, cần đến bệnh viện khám bệnh và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân. Từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Dương Quốc Khiêm 31 tuổi, tỉnh Hậu Giang, SĐT: 01653337623

Hỏi: Mấy năm nay tôi bị tim đập chậm, kết quả khám là hở van động mạch chủ (ĐMC). Mức độ nguy hiểm thế nào? Điều trị ra sao và điều trị ở đâu? Tim đập chậm có dễ điều trị như tim đập nhanh hay không?

Trả lời: Anh có bệnh nhịp tim chậm và hở van ĐMC. Nhịp tim chậm do một số nguyên nhân: Suy nút xoang nội phát, rối loạn dẫn truyền trong hệ thần kinh tự động của tim… Tuy nhiên đối với một số thanh niên khỏe mạnh, các vận động viên có nhịp tim chậm mà không có bất kỳ triệu chứng gì người ta gọi là nhịp tim chậm sinh lý. Khi nhịp tim chậm mà trong quá khứ và hiện tại đã có ngất xỉu, và thường xuyên hồi hộp, chóng mặt, anh cần phải tới  phòng khám tim mạch, khám và điều trị. Khi nhịp tim quá chậm có thể phải đặt máy tạo nhịp mới điều trị được. Khi nhịp tim chậm mà không có các triệu chứng trên, anh chỉ cần khám và theo dõi định kỳ, chưa cần dùng thuốc điều trị.

- Hở van ĐMC: Tùy theo nguyên nhân, mức độ hở van, phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Đối với hở van nhẹ, chưa có các triệu chứng suy tim, chỉ cần theo dõi và điều trị uống thuốc. Đối với hở van mức độ nặng có thể phải can thiệp ngoại khoa: phẫu thuật sửa van hoặc thay van tim nhân tạo kết hợp với điều trị nội khoa. Anh cần đến phòng khám tim mạch để khám và hướng dẫn phương pháp điều trị thích hợp.

Nguyễn Thị Bảy, TP Cần Thơ, SĐT: 07106501896

Hỏi: Hở van tim 2 lá 1/4, hở van 3 lá 2/4 thì bệnh điều trị có hết không?

Trả lời: Đối với mức độ hở 2 van tim  của chị, cần tới phòng khám tim mạch, để khám và tầm soát nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ. Tùy theo tình trạng bệnh, BS sẽ tư vấn cụ thể các biện pháp điều trị phù hợp nhất.

* Nguồn BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long

 

Chia sẻ bài viết