08/04/2010 - 09:33

Bệnh chổi rồng gây hại 5.000 ha nhãn

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện bệnh chổi rồng (còn gọi là bệnh đầu lân, chùn ngọn, đọt chổi...) đang gây hại 5.000 ha nhãn trong vùng, chiếm khoảng 12% diện tích nhãn tại đây; trong đó, riêng 4 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh có tới 3.900 ha nhãn bị bệnh. Bệnh được xem là nguy hại nhất đối với cây nhãn trên phạm vi thế giới vì chưa có thuốc chữa. Bệnh xuất hiện trên các chồi lá non và ngay cả trên hoa, làm cho chồi lá, hoa không phát triển được và mọc thành chùm, các chồi lá này không lớn lên được và cụm lại như bó chổi, chính vì vậy nên được gọi là chổi rồng. Nếu chồi nhãn ra hoa thì cũng chỉ đậu vài trái, ít hơn bình thường 80 - 90%.

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam , nhện lông nhung (Eirophyes litchii Keifer) là tác nhân truyền bệnh trên. Đây là loài nhện có kích thước rất nhỏ, cơ thể có chiều dài 0,12 - 0,17mm, thân màu trắng vàng. Ngoài cây nhãn, nhện long nhung còn là đối tượng gây hại nặng trên cây vải ở các tỉnh phía Bắc. Cũng theo viện, để hạn chế sự lây lan bệnh chổi rồng, cách phòng trị bệnh tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh tổng hợp. Đối với vườn nhãn đang cho trái, phải thường xuyên tỉa cành và tạo tán hợp lý theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Phòng nhện lông nhung bằng cách: trong giai đoạn cây ra chồi non, ra hoa kết trái, định kỳ khoảng10 ngày phun thuốc trừ nhện một lần, xịt luân phiên bằng một trong các loại thuốc như: Sulox 80WP; Saromite 57EC; dầu khoáng SK Enspray 99EC; Ortus 5SC; Pegasus 500SC; Vimite 10ND; Cascade 5EC; Nissorun 5EC; Kumulus 80DF... và tập trung vào những bộ phận non của chồi, vì nhện lông nhung thường chỉ tập trung ở những bộ phận này. Cách thứ hai áp dụng cho trường hợp gốc của giống nhãn tiêu da bò đã to hơn bắp tay, bắp chân. Mỗi cây để lại một “cành thở”, số còn lại cưa bỏ (cưa cách chỗ phân cành khoảng 20-30 cm). Sau khi cưa bón thêm phân, tưới nước giữ ẩm thường xuyên để chỗ cưa ra chồi mới, chờ cho chồi to cỡ ngón tay trỏ của người lớn là có thể ghép được. Ngoài những biện pháp trên, cần chăm sóc chu đáo và phòng trừ kịp thời những sâu bệnh khác trên cây nhãn.

THẾ ĐẠT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết