07/09/2020 - 10:15

Bầu cử và đại dịch 

Sau một tháng tạm hoãn vì COVID-19 tái bùng phát, chiến dịch tổng tuyển cử tại New Zealand đã chính thức bắt đầu vào hôm qua với việc giải tán Quốc hội.

Thủ tướng New Zealand Ardern (trái) và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Getty Images

Cuộc bỏ phiếu ngày 17-10 tới được cho sẽ dễ dàng mang lại chiến thắng cho Công đảng của Thủ tướng Jacinda Ardern, người giành được nhiều lời ca ngợi vì chiến lược chống đại dịch quyết đoán mà hiệu quả. Tính tới chiều 6-9, xứ kiwi chỉ ghi nhận 1.772 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 24 trường hợp tử vong, trong khi con số đó trên toàn cầu lần lượt là hơn 27 triệu và 884.000.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy Công đảng cầm quyền bỏ khá xa đảng Quốc gia đối lập với tỷ lệ ủng hộ có lúc “một trời một vực” là 53% và 26%. Uy tín bản thân của bà Ardern, người trở thành nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới hồi năm 2017 ở tuổi 37, có đóng góp rất đáng kể vào lợi thế này của Công đảng. Tháng 5 vừa qua, tỷ lệ ủng hộ cá nhân bà lên tới gần 60%, trở thành thủ tướng được yêu thích nhất tại New Zealand trong một thế kỷ qua, theo tờ Guardian.

Trong khi đó, Mỹ cũng sắp diễn ra bầu cử nhưng tình hình lại rất khác đối với Tổng thống Donald Trump. Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi COVID-19 với hơn 6,4 triệu người nhiễm và 193.000 trường hợp tử vong.

Chiến lược chống đại dịch của Tổng thống Trump bị chê là không hiệu quả, trong khi bản thân ông có những hành động và phát biểu đi ngược lời khuyên của các chuyên gia y tế. Vì thế cũng dễ hiểu khi COVID-19 đã lấy đi của chủ nhân Nhà Trắng một tỷ lệ ủng hộ đáng kể, dù trước đó những thành tựu kinh tế từng giúp ông chiếm được lòng tin rất lớn của cử tri xứ cờ hoa.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy mức ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11 tới thấp hơn đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ. Hiện ông Trump đang hy vọng có thể đảo ngược tình thế nhờ vào việc sẽ có vaccine COVID-19 vài ngày trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa. Washington đã đổ hàng chục tỉ USD vào nỗ lực bào chế vaccine, đồng thời tạo mọi điều kiện để chế phẩm này sớm được phê duyệt và đến với người dân.

Giới khoa học Mỹ đang chia rẽ về khả năng sẽ có vaccine an toàn và hiệu quả trước ngày bầu cử, còn phe Dân chủ thì tìm cách bác bỏ điều đó. Trả lời phỏng vấn Ðài CNN ngày 6-9, nữ Thượng nghị sĩ da màu Kamala Harris, người đứng liên danh phó tổng thống với ông Biden, từ chối xác nhận sẽ tiêm loại vaccine có trước ngày 3-11, nhưng khẳng định “Tôi không tin Donald Trump”.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết