10/02/2011 - 08:49

Bất ổn ở các nước A-rập làm "nóng" chính trường Pháp

Tổng thống Sarkozy (phải) gặp Ngoại trưởng Michele Alliot-Marie (trái), Thủ tướng Francois Fillon (thứ hai bên trái) và các thành viên nội các tại Điện Elysee. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang chịu sức ép từ các đảng đối lập về việc kiểm soát nội các, sau khi một số quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Francois Fillon, nhận sự đài thọ từ một số nước A-rập đang bất ổn, trong khi đi nghỉ mát dịp đầu năm mới.

Ngày 8-2, Thủ tướng Fillon thừa nhận Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã cho ông và gia đình mượn máy bay đi tham quan thắng cảnh ở thành phố Aswan, miền Nam Ai Cập. Thủ tướng Fillon cho biết ông và gia đình được chính quyền Ai Cập tiếp đón ân cần khi nghỉ lại Aswan từ ngày 26-12-2010 tới 2-1-2011. Ông nói rằng theo “lời mời của chính quyền Ai Cập”, gia đình ông đã đi du ngoạn bằng thuyền trên sông Nile và đi máy bay tới tham quan các ngôi đền tại Abu Simbel. Thủ tướng Pháp khẳng định ông đã dùng tiền túi để trả vé máy bay từ Pháp tới Aswan và cho biết đã gặp ông Mubarak trong thời gian ở lại nơi này.

Vụ việc sẽ không có gì ầm ĩ, nếu nó không xảy ra vào thời điểm nhạy cảm. Thủ tướng Fillon đang quyết bảo vệ Ngoại trưởng Michelle Alliot-Marie khi phe đối lập tăng sức ép kêu gọi bà từ chức vì đã đi máy bay miễn phí trong lúc nghỉ mát ở Tunisie hồi tháng 12 năm ngoái. Theo báo Le Canard Enchaino chuyên về điều tra và châm biếm của Pháp, tỉ phú Aziz Milad, người đã đài thọ cho bà Marie sử dụng máy bay riêng của ông, có quan hệ gần gũi với tổng thống vừa bị lật đổ của Tunisie - ông Ben Ali. Ông Milad là người đồng sở hữu nhiều công ty với người thân của ông Ben Ali. Tuy nhiên, bà Marie cho rằng ông Milad là một người bạn và bà đi nghỉ không với tư cách là một ngoại trưởng của nước Pháp. Trong phiên chất vấn trước Quốc hội Pháp, bà Marie nói: “Tranh cãi đã đủ rồi. Tôi đi nghỉ trên chuyên cơ của một người bạn, không xài một xu nào của nhà nước và không thể ảnh hưởng tới vị trí của tôi”.

Tuy nhiên, với đề nghị chia sẻ kinh nghiệm an ninh của Pháp với chính quyền Tunisie chỉ vài ngày trước khi ông Ben Ali trốn khỏi nước này, bà Marie bị phe đối lập vịn vào đó để gây sức ép buộc phải từ chức. Bởi trong vài tuần cuối cùng của chính quyền Ben Ali, các bộ trưởng Pháp vẫn giữ im lặng bất chấp số người chết gia tăng và chỉ lên tiếng chỉ trích khi một người Tunisie gốc Pháp thiệt mạng, đúng 2 ngày trước khi ông Ben Ali trốn ra nước ngoài. Người phát ngôn đảng Xã hội đối lập Benoit Hamon cho rằng: “Cách duy nhất để bà Alliot-Marie giữ lại chút tự trọng là bà phải ra đi”.

Ông Sarkozy đã không đưa ra tuyên bố công khai nào về những vấn đề mới xảy ra, ngoại trừ việc cho biết ông sẽ thảo luận về vụ bà Alliot-Marie trong tuần này. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận tổng thống Pháp cho biết về mặt cá nhân, ông Sarkozy thất vọng bởi vụ việc diễn ra khi ông đang nỗ lực gầy dựng lại uy tín trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Hàng loạt vụ bê bối vài tháng qua trong chính phủ như bị điều tra về gây quỹ tranh cử bất hợp pháp, nhiều quan chức tiêu xài lãng phí... cộng với chương trình cải cách lương hưu không được ủng hộ và tỷ lệ thất nghiệp cao, khiến tỷ lệ ủng hộ tổng thống giảm mạnh. Khảo sát của hãng thăm dò dư luận TNS Sofres công bố cuối tuần rồi, cho thấy chỉ có 24% ủng hộ ông Sarkozy, thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2007.

N. MINH (Theo WSJ, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết