27/09/2021 - 08:30

Bạo lực gia tăng vì biến đổi khí hậu 

Tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ) hôm 23-9, lãnh đạo và ngoại trưởng các nước cảnh báo rằng Trái đất ấm hơn cũng đồng nghĩa thế giới sẽ bạo lực hơn.

Trẻ em Yemen chen nhau lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Getty Images

Các quan chức tham gia phiên họp đã thúc giục HÐBA LHQ hành động nhiều hơn để giải quyết những hệ lụy an ninh của biến đổi khí hậu và xác định tình trạng ấm lên toàn cầu là một phần quan trọng trong tất cả các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Họ cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến thế giới ít an toàn hơn, mà ví dụ là các cuộc xung đột vũ trang xảy ra tại vùng Sahel của châu Phi, Syria và Iraq. “Khi tài nguyên thiên nhiên như nước trở nên khan hiếm do biến đổi khí hậu, những bất đồng và căng thẳng có thể bùng phát, càng làm phức tạp nỗ lực ngăn chặn xung đột và duy trì hòa bình”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20-50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1°C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, bão nhiệt đới cũng trở nên khốc liệt hơn. Với tốc độ hiện nay, thế giới đang trên đà nóng lên ít nhất 2,7°C vào cuối thế kỷ này (so với thời kỳ tiền công nghiệp), cao hơn nhiều so với mục tiêu 1,5°C.

Xung đột xảy ra nhiều hơn

Thời tiết cực đoan được đánh giá là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới. Các số liệu cho thấy nguy cơ xung đột vũ trang tăng 10-20% nếu nhiệt độ tăng thêm 0,5°C.

Thực tế, trong giai đoạn 1970-2015, nhiệt độ gia tăng ở 159 quốc gia đã đẩy số vụ tấn công khủng bố và số người chết lên cao. Ðơn cử như tại khu vực Sahel, trải dài từ Senegal đến Sudan, hạn hán kéo dài kết hợp với sa mạc hóa và xói mòn đất đã làm giảm năng suất đất.

Ở Sudan, tình trạng này thậm chí khơi mào cuộc nội chiến kéo dài trong thập niên 1980. Giai đoạn 1983-1984, chỉ riêng nạn đói đã cướp đi sinh mạng của gần 100.000 người ở vùng Darfur. Nỗi tuyệt vọng đã dẫn đến cuộc di cư hàng loạt, chủ yếu là về phía Nam Darfur. Trong nỗ lực mưu sinh, những người chăn nuôi gia súc buộc phải tìm đến vùng đất màu mỡ hơn của những bộ lạc địa phương, để rồi xảy ra cuộc xung đột giữa hai bên. Tính đến năm 2003, xung đột đã khiến khoảng 300.000 người tại Darfur thiệt mạng và 2,5 triệu người đi lánh nạn. Ðầu năm nay, bạo lực tái bùng phát làm chết ít nhất 83 người.

Trong khi đó, khoảng 30 triệu người ở Nigeria, Chad, Niger và Cameroon đã phải tranh giành bởi nguồn nước ở lưu vực Hồ Chad giảm đáng kể. Từ năm 1960, khu vực này mất tới 90% lượng nước. Tình trạng mất nhà cửa, đói kém và suy dinh dưỡng đã góp phần làm tăng các vụ bắt cóc, giết người, vi phạm nhân quyền cũng như sự phát triển của các tổ chức khủng bố như Boko Haram. Vùng Sừng châu Phi, gồm các nước Eritrea, Ethiopia, Somalia và Kenya, cũng chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 13 triệu người, dẫn đến tình trạng di cư, từ đó gây ra căng thẳng sắc tộc và khủng bố.

Năm 2015, trong một báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã lấy cuộc nội chiến ở Syria làm ví dụ điển hình cho ảnh hưởng đáng sợ của biến đổi khí hậu lên tình hình chính trị. Ðợt hạn hán từ năm 2006-2011 đã làm kiệt quệ nền nông nghiệp ở các tỉnh Ðông Bắc Syria với 75% mùa màng mất trắng và 80% số gia súc bị chết. Do thiếu nước, khoảng 1,5 triệu gia đình nông dân phải đi tìm việc làm và thực phẩm ở các thành phố. Chính sự tuyệt vọng về kinh tế và di cư do biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều cuộc xung đột.  Trong số 20 quốc gia dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, có 12 nước đang đối mặt với xung đột vũ trang.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết