22/05/2018 - 07:00

Báo động tình trạng bị rắn cắn 

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Quân y 121, thời gian gần đây, bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện điều trị tại BV có chiều hướng gia tăng. Trước đây, một tuần chỉ có 3-4 bệnh nhân, nhưng gần đây, một tuần điều trị 6-8 bệnh nhân, cá biệt có ngày đến 4-5 ca bị rắn cắn.

Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa và Bệnh máu, BV Quân Y 121, xem vết rắn cắn trên chân bệnh nhân. Ảnh: H.HOA
Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa và Bệnh máu, BV Quân Y 121, xem vết rắn cắn trên chân bệnh nhân. Ảnh: H.HOA

Cảnh báo nguy cơ bị rắn độc cắn

Từ đầu năm 2018 đến nay, BV Quân Y 121 đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân bị rắn cắn. Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân ở các vùng đô thị, đặc biệt ở các khu đô thị mới có những nền nhà chưa cất, cỏ dại mọc nhiều; bị rắn cắn khi đi tập thể dục, thậm chí khi phơi đồ, làm cỏ, hái rau… Bệnh nhân ở vùng ven đô thị, vùng nông thôn bị rắn cắn khi đang trồng trọt, bắt cá, chặt củi… Như trường hợp của anh Phan Phi Khanh, ở An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị rắn cắn vào chân khi anh ra đồng buổi tối. Anh Khanh kể: “Khi bị rắn cắn, tôi dùng đèn soi thì phát hiện đó là rắn lục đuôi đỏ. Chân sưng to rất nhanh, tôi kêu người thân chở thẳng đến BV 121”. Còn bệnh nhân Phạm Văn Bé, 52 tuổi, ở Tầm Vu (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đem củi ra phơi thì bị rắn lục trong đống củi cắn vào đầu ngón tay. Ông Bé dùng sợi thun cột chặt ngón tay và được người nhà đưa đến điều trị tại BV Quân Y 121.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa và Bệnh máu, BV Quân Y 121, có hai loại rắn độc: Rắn độc gây toan máu (như rắn lục, rắn cạp nong, rắn cạp nia…) và rắn độc thần kinh (như rắn hổ). Khi bị rắn cắn, có thể bị nguy hiểm tính mạng, tàn phế nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Trong các trường hợp bị rắn cắn nhập viện từ đầu năm đến nay, đa phần bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Đây là loại rắn có độc tính cao, gây rối loạn đông cầm máu, phỏng vết thương, xuất huyết, viêm mô tế bào tại chỗ, gây tổn thương chi thể… Có trường hợp phải cắt bỏ chi thể nếu không điều trị kịp thời. Các trường hợp nhẹ, gây nhức đầu, sưng nề, giảm khả năng lao động, sinh hoạt. Đối với rắn hổ, đây là loại rắn cực kỳ độc, nếu không điều trị kịp thời, người bị cắn có thể suy hô hấp, tử vong.

Không sử dụng phương pháp dân gian

  Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, rắn lục đuôi đỏ chủ động tấn công người. Chúng nằm yên, nhưng khi có vật chuyển động gần, chúng chủ động tấn công. Rắn lục đuôi đỏ kiếm ăn vào ban đêm. Đa số các trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhập viện xảy ra vào thời điểm này.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, khi bị rắn cắn tuyệt đối không được lấy nọc, đắp thuốc, chích, lể, nặn máu, ga rô, buộc dây... Như vậy, vừa làm chậm quá trình điều trị, tổn thương nặng hơn, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Thực tế điều trị, bà con vẫn còn sử dụng các phương pháp dân gian như chích, lể, đắp thuốc, lấy nọc… Sau 1-2 ngày, vết cắn sưng nề, hoại tử, bệnh nhân mới tìm đến BV. Lúc này việc điều trị kéo dài, tốn kém và phức tạp.

Năm 2017, BV Quân Y 121 điều trị cho gần 500 bệnh nhân bị rắn cắn. Tất cả các trường hợp đều được điều trị thành công, không ảnh hưởng đến tính mạng và tổn thương tại chỗ. Một vài trường hợp do đến BV muộn, phải cắt lọc một đoạn chi thể.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh khuyến cáo, để đề phòng rắn độc cắn, trong quá trình lao động, bà con nên sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, ủng, nên phát quang bụi rậm xung quanh nhà. Khi đi ngủ phải quan sát gầm giường, ga, gối, nệm... vì có trường hợp đang ngủ thì bị rắn bò vào mùng cắn. Khi bị rắn cắn, rửa vết thương bằng xà phòng loãng, băng kín hoặc che phủ vết thương, hạn chế vận động vùng chi thể bị rắn cắn và chuyển đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 12 giờ đầu sau khi bị cắn. Khi bị rắn cắn, dù chưa xác định rắn có độc hay không độc, cũng cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

H.HOA

Chia sẻ bài viết