20/11/2021 - 20:20

Bài học đắt giá của châu Âu 

Theo Hãng CNN, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tây Âu đã tạo thế vững mạnh vào những tháng đầu năm 2021 và nhiều nhà lãnh đạo khu vực này khi đó hùng hồn tuyên bố rằng tiêm chủng là con đường ngắn nhất thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, cả châu Âu hiện nay đang rút ra bài học đắt giá là vaccine tuy hữu hiệu nhưng không đủ ngăn chặn COVID-19.

 Một số người dân ở thủ đô Vienna của Áo vẫn không mang khẩu trang khi ra đường hôm 19-11. Ảnh: AP

Tiêm chủng ít, hậu quả lớn

Từ ngày 22-11, Áo sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong mùa thu năm nay để đối phó làn sóng dịch COVID-19 mới. Việc áp lệnh phong tỏa đồng nghĩa mọi người không còn được phép ra khỏi nhà, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như đi mua nhu yếu phẩm, chữa bệnh. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết lệnh này sẽ kéo dài tối đa 20 ngày và sẽ xem xét đánh giá lại trong 10 ngày đầu. Ngoài ra, nước này cũng sẽ bắt buộc toàn bộ người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 1-2-2022. Theo Hãng tin AP, Áo có thể là quốc gia phương Tây đầu tiên sẽ chính thức bắt buộc tiêm vaccine COVID-19. Cùng với đó, chính quyền Vienna hiện cho phép những người tiêm đầy đủ sau 4 tháng được tiêm mũi tăng cường.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19-11, Thủ tướng Schallenberg bày tỏ: “Chúng tôi đã không thành công trong việc thuyết phục đủ số người đi tiêm vaccine COVID-19. Thật đau lòng khi phải thực hiện những biện pháp mới này”. Ông đồng thời cáo buộc những người từ chối tiêm chủng “tấn công vào hệ thống y tế”. Bộ trưởng Y tế Wolfgang Mückstein thì nhấn mạnh tái áp đặt phong tỏa toàn quốc là sự “lựa chọn sau cùng”. Trước đó, Áo đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa tiêm chủng, mới khỏi bệnh hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 từ hôm 15-11. Tuy nhiên, số ca nhiễm ở nước này vẫn tiếp tục tăng lên mức kỷ lục, bao gồm 15.809 ca mới hôm 19-11.

Theo số liệu của Chính phủ Áo, quốc gia 8,9 triệu dân này có tỷ lệ người được tiêm ngừa đầy đủ thuộc dạng thấp nhất ở Tây Âu, đạt khoảng 2/3 dân số (66%). Nguyên do là phần lớn công chúng nước này vẫn còn nghi ngờ về vaccine COVID-19. Sự hoài nghi về vaccine là quan điểm được đảng Tự do cực hữu (đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội Áo) thúc đẩy. Ðảng này đã phát động biểu tình ngày 20-11 để phản đối các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt mới của chính phủ. Trong khi đó, Áo hiện là một trong những nước có tỷ lệ ca nhiễm trong vòng 7 ngày cao nhất ở châu Âu, với tỷ lệ 991 ca nhiễm/100.000 dân. Số bệnh nhân nhập viện, cần chăm sóc tích cực và tử vong có xu hướng tăng trở lại, gây quá tải hệ thống y tế nước này.

Tại Ðức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn trong cuộc họp báo ngày 19-11 cũng cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu không loại trừ khả năng áp đặt phong tỏa toàn quốc như Áo, bởi thực tế nước này đang trong tình trạng khẩn cấp quốc gia từ làn sóng nhiễm bệnh thứ 4. Ông Spahn cảnh báo tiêm vaccine không thôi chưa đủ ngăn chặn các ca lây nhiễm. Ngày 18-11, nước Ðức ghi nhận 65.371 ca mắc mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cho rằng con số thật sự có thể cao hơn gấp 2 hoặc 3 lần. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ ở Ðức đến ngày 18-11 đạt khoảng 67,24%, cao hơn mức 58,9% ở Mỹ.

Vaccine không thôi chưa đủ

Cựu Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (từ chức hồi tháng 10-2021) từng mạnh mẽ tuyên bố rằng đại dịch “đã kết thúc” với những người tiêm vaccine. Ðến đầu tháng 11 này, Thủ tướng Schallenberg cũng khẳng định áp đặt phong tỏa người dân trên toàn quốc là không cần thiết và ông chỉ muốn áp đặt hạn chế đối với những người không tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc chưa tiêm đủ liều.

Tuy nhiên, với thời tiết lạnh giá, nhiều nước tại châu Âu dù đã đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao vẫn buộc phải xem xét tái áp dụng các biện pháp hạn chế để chống lại sự lây lan của COVID-19. Cuối tuần trước, Hà Lan là nước Tây Âu đầu tiên phải phong tỏa lại một phần. Cộng hòa Ireland là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao nhất châu Âu, đạt khoảng 89,1% dân số từ 12 tuổi trở lên (3 phần 4 dân số miễn dịch), nhưng hôm 18-11 đã ban hành quy định mới yêu cầu các nhà hàng, vũ trường và quán bar phải đóng cửa trước nửa đêm.

Charles Bangham, giáo sư miễn dịch học - đồng Giám đốc Viện Truyền nhiễm thuộc trường Imperial College London, nói rằng vaccine “tiếp tục cung cấp sự bảo vệ rất tốt, đồng thời duy trì rất tốt việc ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng và tử vong”. Tuy nhiên, biến thể Delta lây nhiễm cao hơn trong khi các biện pháp phòng ngừa không còn được kiểm soát nghiêm ngặt và thái độ lơ là của người dân nhiều nước.

Sam McConkey, người đứng đầu Khoa Y nhiệt đới và Sức khỏe quốc tế thuộc Ðại học Y và Khoa học sức khỏe RCSI tại Dublin (Ireland), nhận định có nhiều nguồn lây nhiễm làm bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, trong đó có những người chưa tiêm vaccine (kể cả phần lớn trẻ em), những người già và dễ bị tổn thương (bệnh nền) có thể bị nhiễm đột phá sau tiêm, những người khỏe mạnh không triệu chứng.

Tobias Kurth, giáo sư dịch tễ và y tế công - Giám đốc Viện Y tế công thuộc Bệnh viện Ðại học Charité tại Berlin, thì cho rằng phản ứng miễn dịch của những người tiêm vaccine đã giảm đi sau một khoảng thời gian nhất định. Hai nghiên cứu vừa công bố tháng 11 đã khẳng định hệ miễn dịch của những người tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer, AstraZeneca và Moderna sẽ bắt đầu giảm sau 2 tháng, dù khả năng chống bệnh chuyển biến nặng, nhập viện và tử vong vẫn cao.

Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza vừa thông báo việc tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trong độ tuổi từ 40-59 sẽ được bắt đầu từ ngày 22-11, thay vì 1-12 như kế hoạch, do số ca mắc COVID-19 ở nước này đang gia tăng. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã thông qua việc sử dụng các vaccine ngừa COVID-19 do 2 hãng dược phẩm Pfizer và Moderna sản xuất làm liều tiêm tăng cường cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, sau khi những người này đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 tối thiểu 6 tháng. 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết