09/09/2010 - 08:47

Bắc cực "tăng nhiệt"

Thủ tướng Canada Stephen Harper (người đứng thứ hai bên phải) tại Bắc Cực ngày 25-8.
Ảnh: Reuters

Băng đang tan nhanh tại Bắc Cực và cùng với nó là cuộc cạnh tranh giành chủ quyền khu vực này, đặc biệt giữa Nga và Canada, ngày càng trở nên khốc liệt.

Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã có chuyến thăm Bắc Cực nhằm giám sát cuộc tập trận quân sự hàng năm của các lực lượng hỗn hợp nước này. Đặc biệt, theo báo Pravda của Nga, “trò chơi chiến tranh” vừa rồi có quy mô lớn chưa từng thấy vì có sự tham gia của các đơn vị quân sự đến từ Mỹ và Đan Mạch.

Trước khi ông Harper đi thị sát, 2 chiến đấu cơ CF-18 Hornet của Canada đã ngăn chặn 2 máy bay ném bom Tu-95 Bear của Nga trên không phận quốc tế vùng Bắc Cực. Vì thế, ông Harper sau đó lên tiếng nhấn mạnh trách nhiệm của chính phủ là bảo vệ và xác lập chủ quyền tại Bắc Cực. “Các nước khác đang quan tâm nhiều hơn đến tiềm năng tài nguyên giàu có ở Bắc Cực, nơi sẽ mở ra các con đường thương mại mới, nên chúng ta sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền, tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân Canada sinh sống tại Bắc Cực. Trong bối cảnh đó, việc chính phủ tăng cường hiện diện quân sự từ nhiều năm qua cũng như qua các cuộc tập trận hàng năm tại khu vực này đang cho thấy giá trị của nó hơn bao giờ hết”, ông Harper nói. Cũng nhân sự kiện này, người phát ngôn Chính phủ Canada cho biết quốc hội nước này đang thảo luận kế hoạch mua 65 máy bay tiêm kích F-35 hiện đại của Mỹ. Đây sẽ là một trong những thương vụ mua sắm thiết bị quân sự lớn nhất trong lịch sử Canada nhằm thay thế những chiếc CF-18 đã lỗi thời. Dĩ nhiên, mục tiêu của Không lực Canada là tăng cường sức mạnh tại Bắc Cực. Canada gần đây cũng đã công bố chính sách Bắc Cực để làm nền tảng giải quyết tranh chấp và xác lập chủ quyền của mình.

Những động thái mới của Ottawa, theo tờ Le Monde (Pháp), đang làm gia tăng cuộc chạy đua giữa các nước lớn có lợi ích tại Bắc Cực. Đây không chỉ là nơi tranh chấp chủ quyền của các nước khu vực gồm Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy, mà còn là yêu sách đòi tự do hóa lưu thông của cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). “Con đường Biển Bắc” ở Bắc Cực sẽ là tuyến hàng hải ngắn nhất đi từ Bắc Âu tới Đông Bắc Á và Tây Bắc của Bắc Mỹ, hay từ Tây Âu và Nga đến vùng Viễn Đông và Đông Nam Á. Trong cuộc cạnh tranh này, Nga đã đi tiên phong khi cắm cờ xác lập chủ quyền dưới đáy Bắc Cực năm 2007. Hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, tàu chở dầu phá băng đầu tiên của Nga đã sử dụng con đường này để tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà không cần qua Kênh đào Suez ở Trung Đông, điều đó nhằm chứng tỏ khả năng Nga làm chủ tuyến đường vận chuyển năng lượng quan trọng này. Dòng sông băng tại Bắc Cực đang có dấu hiệu tan nhanh trước hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, điều đó không chỉ tạo cơ hội cho lưu thông hàng hải mà còn mở ra triển vọng khai thác tài nguyên dầu khí, khoáng sản.

Năm 2008, Cơ quan địa chất Mỹ cho rằng trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên chưa được phát hiện ở Bắc Cực có thể chiếm khoảng 22% trữ lượng dầu khí đã chứng minh của thế giới. Vì thế, theo chuyên gia người Canada Ken Coates, quốc gia nào kiểm soát được Bắc Cực thì nước đó sẽ trở thành một Arabie Séoudite mới.

Luật pháp quốc tế quy định các nước xung quanh Bắc Cực được hưởng một khu vực đặc quyền kinh tế kéo dài 322 cây số tính từ bờ, nhưng các vấn đề chủ quyền, tranh chấp tài nguyên không đơn giản giải quyết. Nếu tiến trình đấu tranh pháp lý quốc tế (nhất là thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc) không thể giải quyết được thì các nỗ lực tranh giành chủ quyền giữa các nước xung quanh Bắc Cực sẽ có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc chiến thực sự.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Thủ tướng Canada Stephen Harper (người đứng thứ hai bên phải) tại Bắc Cực ngày 25-8. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết