23/03/2021 - 22:48

Bắc Âu chuộng máy bay ít gây ô nhiễm 

Sắp tới, Thụy Ðiển sẽ tính phí cất và hạ cánh tại phi trường nếu máy bay của hãng hàng không đó gây ô nhiễm nhiều. Như vậy, đây sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng loại phí môi trường khá đặc biệt này.

Máy bay của Scandinavian Airlines cất cánh từ sân bay Arlanda, Thụy Điển. Ảnh: AP

Máy bay của Scandinavian Airlines cất cánh từ sân bay Arlanda, Thụy Điển. Ảnh: AP

“Chính sách mới đồng nghĩa phí cất và hạ cánh có thể sẽ cao hơn một khi tác động khí hậu của máy bay ở mức cao hơn và sẽ giảm khi tác động này hạ thấp”, Bộ Cơ sở hạ tầng Thụy Ðiển thông báo hôm 22-3. Quy định có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Khi đó, những “chú chim sắt” mới và hiệu quả hơn hoặc sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ hưởng lợi từ cơ chế này, trong khi các máy bay cũ bị thu phí cao hơn. Bước đầu, dự án sẽ triển khai tại 2 sân bay Arlanda ở Stockholm và Landvetter ở Gothenburg. Nếu thành công, phí này được mở rộng sang các phi trường nhỏ hơn. Chính phủ Thụy Ðiển đang phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng nước này muốn dẫn đầu công cuộc “lột xác” ngành hàng không.

Theo nghiên cứu năm 2017, hoạt động đi lại bằng máy bay của mỗi người dân Thụy Ðiển “đóng góp” khoảng 1,1 tấn CO2, tăng 50% so với thập niên 1990 và cao gấp 5 lần mức trung bình trên toàn cầu. Ðất nước Bắc Âu này cũng là nơi phát động trào lưu “xấu hổ khi đi máy bay” hồi năm 2018, để rồi chứng kiến nhiều người quyết định ngừng đi máy bay và chuyển sang sử dụng xe lửa để kéo giảm lượng phát thải carbon. Ước tính một chuyến bay giữa 2 thành phố Stockholm và Gothenburg phát ra lượng khí carbon tương đương với khí thải của 40.000 chuyến xe lửa.

Na Uy hướng đến tương lai xanh cho ngành hàng không

Trong khi đó, Hãng xe hơi hạng sang Rolls-Royce và Công ty chế tạo máy bay Tecnam (Ý) đang phát triển máy bay thương mại vận hành hoàn toàn bằng điện cho Hãng hàng không Wideroe của Na Uy.

Theo đó, máy bay điện P-Volt có thể chở 9 hành khách với chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2026. Ðây là một phần trong nỗ lực sử dụng máy bay điện cho toàn bộ chuyến bay nội địa vào năm 2040 của Na Uy. Những chặng bay siêu ngắn, kéo dài 15-30 phút, khá phổ biến tại quốc gia Bắc Âu này bởi địa hình tại đây có nhiều đồi núi và vịnh nhỏ hẹp, khiến hoạt động giao thông đường bộ chậm chạp. Wideroe không giấu tham vọng chuyển sang động cơ điện và mục tiêu lớn hơn của hãng hàng không nội địa này là đưa lượng khí thải về mức bằng không trong thập niên tới.

Na Uy đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận số xe hơi chạy bằng điện chiếm hơn 50% doanh số bán xe mới tại nước này trong năm 2020. Do tốc độ phát triển thị trường xe điện ở thập niên qua nhanh như thế, nên kế hoạch trình làng máy bay điện P-Volt trong vòng 5 năm tới của Wideroe được cho là khả thi. Stein Nilsen - Giám đốc điều hành Wideroe - tin rằng công nghệ sử dụng điện sẽ giúp giá vé máy bay rẻ hơn. “Chỉ việc loại bỏ tất cả thuế môi trường đang áp dụng sẽ ảnh hưởng đến giá vé”, Nilsen lạc quan.

Phần lớn các hãng hàng không đều quay sang máy bay thương mại thế hệ mới nhằm giúp giảm lượng phát thải CO2 như là một giải pháp tạm thời. Ðơn cử như Hãng hàng không đa quốc gia Scandinavian Airlines (của Ðan Mạch, Thụy Ðiển và Na Uy) đã mua các chiếc A350-900 XWB và A320neo từ Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus.

Ðược biết, ngành hàng không hiện chiếm khoảng 2% tổng lượng phát thải CO2 của thế giới. Tuy nhiên, xét ở tất cả các phương tiện vận tải, hàng không “đóng góp” 12% lượng phát thải CO2, so với 74% của giao thông đường bộ.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết