|
TI đánh giá tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng của một số nước châu Phi ở vào mức “nguy kịch”. Ảnh: africacenter |
Tổ chức Minh bạch Thế giới (TI) hôm qua công bố kết quả khảo sát cho biết hơn 2/3 các quốc gia, bao gồm nhiều nhà buôn vũ khí lớn nhất thế giới, đã “không tự vệ” trước nạn tham nhũng nghiêm trọng trong lĩnh vực quốc phòng tại quốc gia họ.
Cuộc khảo sát của cơ quan chống tham nhũng quốc tế được thực hiện ở 82 quốc gia, ngoại trừ Đức và Úc hai quốc gia mà IT nhận xét là có các cơ chế chống tham nhũng mạnh mẽ. Các cơ chế này cũng là chỉ số đầu tiên để IT đánh giá chính phủ các nước đương đầu như thế nào với nạn tham nhũng trong quốc phòng. Việc xếp loại chính phủ các nước dựa trên các tiêu chí như quyền lực của Quốc hội trong việc giám sát chính sách quốc phòng và những tiêu chuẩn được đặt ra cho các tập đoàn quốc phòng.
Qua cuộc khảo sát, có đến 57 quốc gia (tức gần 70%) bị cho là có biện pháp kiểm soát “yếu kém” đối với nạn tham nhũng. Theo TI, 82 quốc gia trong cuộc khảo sát đã chiếm đến 94% chi tiêu quân sự của toàn thế giới trong năm 2011, trị giá khoảng 1.600 tỉ USD, trong khi tổn thất do tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng trên toàn cầu được ước tính ít nhất 20 tỉ USD mỗi năm.
Cuộc khảo sát của TI còn cho thấy một nửa trong số những quốc gia bị đánh giá có các biện pháp chống tham nhũng “yếu kém” là những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Cụ thể đối Trung Quốc, Nga và Israel, nguy cơ tham nhũng trong lãnh vực quốc phòng tại các quốc gia này được cho là ở vào mức “cao”.
Những nước nhập khẩu vũ khí như Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Singapore, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị được xếp vào nhóm có mức độ “rủi ro nguy cơ cao”. Trong khi đó, tình trạng tham nhũng ở trong lĩnh vực quốc phòng ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi như Algérie, Angola, Cameron, CHDC Congo, Ai Cập, Eritrea, Libye, Syrie và Yemen bị đánh giá là ở mức “nguy kịch”. Các quốc gia bị cho là “nguy cơ rất cao” về tham nhũng quốc phòng gồm Afghanistan, Bahrein, Iran, Philippines, Qatar, Arabie Séoudite và Sri Lanka, trong khi Mỹ, Anh, Thụy Điển và Hàn Quốc chỉ ở mức “nguy cơ thấp”. Riêng Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Ba Lan thuộc nhóm những quốc gia có “nguy cơ tương đối” về tham nhũng trong quốc phòng.
Chỉ có 12% trong số các quốc gia được khảo sát có được sự kiểm soát “hiệu quả cao” từ Quốc hội đối với chính sách quốc phòng và chỉ có một ít người tố giác tham nhũng quốc phòng được bảo vệ.
Cuộc khảo sát của TI không chỉ nhắm vào tiềm ẩn tham nhũng trong các hợp đồng quốc phòng, mà còn đề cập đến nguy cơ lạm dụng ngân sách quốc phòng cũng như nguy cơ tham nhũng trong lực lượng vũ trang.
THANH BÌNH (Theo Reuters)