Nhật Bản có khả năng sẽ tham gia trụ cột phi hạt nhân của Hiệp ước Ðối tác an ninh tăng cường 3 bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS), khuôn khổ được thiết kế nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Từ trái sang: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong một cuộc gặp. Ảnh: APA
Hiệp ước AUKUS ra đời năm 2021, trong đó Trụ cột I tập trung kế hoạch trang bị cho Úc hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với các hợp đồng trị giá lên tới 368 tỉ USD trong 3 thập kỷ. Trụ cột II chú trọng phát triển và chia sẻ công nghệ quốc phòng tiên tiến trên 8 lĩnh vực gồm năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lực mạng, siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin. Hoạt động này giúp nâng cao năng lực cho các lực lượng phòng thủ tương ứng, đảm bảo an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước thách thức từ Trung Quốc.
Từ khi được công bố, hai đồng minh còn lại của Anh, Úc và Mỹ trong Nhóm Tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) là Canada và New Zealand từng bày tỏ quan tâm trụ cột phi hạt nhân theo khuôn khổ AUKUS. Trong tuyên bố chung mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết AUKUS luôn hoan nghênh và sẵn sàng làm việc với những đối tác cùng chí hướng trong Trụ cột II.
Tuyên bố còn đề cập tới Nhật Bản, rằng liên minh đang xem xét hợp tác với quốc gia Đông Bắc Á trong các dự án nâng cao năng lực dựa trên tư thế chiến lược vững chắc cũng như quan hệ đối tác quốc phòng song phương chặt chẽ giữa Tokyo với cả 3 nước AUKUS. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trước đó cho biết chưa có quyết định nào về việc hợp tác với AUKUS. Nhưng trong bình luận mới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara xác định AUKUS là khuôn khổ quan trọng và rằng chính phủ sẽ thúc đẩy các nỗ lực cải thiện khả năng răn đe. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố nước này phản đối lối suy nghĩ dẫn đến đối đầu. Bắc Kinh cũng đề nghị Nhật Bản “rút kinh nghiệm” từ lịch sử và thận trọng trong vấn đề an ninh quân sự.
Theo Hãng tin Bloomberg, thông báo về khả năng hợp tác của Nhật Bản trong AUKUS là nỗ lực mới nhằm đưa Tokyo tham gia vào các mối quan hệ an ninh khu vực. Thông tin này được công bố trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà Trắng vào ngày 11-4. Mỹ vẫn chưa công khai chi tiết họ mong đợi gì từ hội nghị thượng đỉnh, nhưng tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết đây là sự kiện “mang tính lịch sử” và “bước chuyển đổi sâu sắc” trong quan hệ đối tác an ninh Mỹ - Nhật.
Lợi ích và hạn chế
Về mặt chiến lược, các nhà phân tích thừa nhận sự tham gia của Nhật Bản vào AUKUS (trở thành JAUKUS) có lợi cho tất cả các bên. Trong đó, chuyên gia Malcolm Davis tại Viện Chính sách Chiến lược Úc chỉ ra hợp tác với Tokyo sẽ thúc đẩy Trụ cột II trong một số lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên như hệ thống tự hành. Tuy nhiên, nhà phân tích an ninh Ryosuke Hanada trong một bài báo chỉ ra mô hình JAUKUS vẫn chưa khả thi do Nhật Bản bị vướng các quy định hạn chế chuyển giao vũ khí sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Mặc dù chính quyền Thủ tướng Kishida gần đây đã nới lỏng các quy tắc, nhưng tổng thể vẫn chưa đạt được những thay đổi cần thiết để tham gia AUKUS.
Ngoài ra, luật chống gián điệp yếu kém của Tokyo cũng đang tạo ra nhiều lổ hổng trong năng lực phòng thủ mạng, bảo vệ bí mật và sở hữu trí tuệ. Tuần rồi, ông Campbell cho biết Mỹ đã khuyến khích Nhật Bản thực hiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và buộc các quan chức có trách nhiệm về các bí mật, hướng tới một liên minh sâu sắc và cơ bản hơn.
MAI QUYÊN (Theo Nikkei, ABC News)