06/11/2024 - 18:47

Chính trường Israel căng thẳng 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa bất ngờ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, khi nước này đang chiến đấu trên nhiều mặt trận. Ðộng thái này gây căng thẳng trên chính trường Israel và đã thổi bùng các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

Thủ tướng Netanyahu (trái) và  Bộ trưởng Quốc phòng bị sa thải Gallant. Ảnh: Shutterstock

Khủng hoảng lòng tin không thể cứu vãn

Trong thông báo sa thải ông Gallant vào tối 5-11, Thủ tướng Netanyahu đã viện dẫn lý do “cuộc khủng hoảng lòng tin” không thể cữu vãn liên quan đến cách quản lý các chiến dịch quân sự đang diễn ra của Israel. Ông Netanyahu đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Israel Katz làm tân Bộ trưởng Quốc phòng.

Giới lãnh đạo Israel đã thể hiện sự đoàn kết khi nước này mở chiến dịch đáp trả cuộc tấn công đẫm máu của phong trào Hồi giáo Hamas vào ngày 7-10-2023. Nhưng khi cuộc chiến kéo dài và lan sang Lebanon, những khác biệt trong các chính sách quan trọng bắt đầu xuất hiện.

Trong khi ông Netanyahu kêu gọi tiếp tục gây sức ép quân sự lên Hamas, ông Gallant có cách tiếp cận thực tế hơn. Ông nói rằng lực lượng quân sự đã tạo các điều kiện cần thiết cho ít nhất một thỏa thuận ngoại giao tạm thời để có thể đưa các con tin trở về nhà.

Trong cuộc họp báo vào tối cùng ngày, ông Gallant cho biết ông không đồng tình với Thủ tướng Netanyahu về 3 vấn đề chính. Ðó là cần chấm dứt các miễn trừ nghĩa vụ quân sự gây tranh cãi dành cho những người đàn ông Do Thái cực đoan, nhu cầu cấp bách về một thỏa thuận con tin và thành lập một ủy ban điều tra chính thức đối với những thất bại về chính trị và an ninh liên quan vụ đột kích ngày 7-10 năm ngoái. Khi đó, các chiến binh Hamas đã tràn vào miền Nam Israel, giết chết 1.200 người và bắt 250 người làm con tin. Ước tính còn khoảng 100 con tin ở Dải Gaza, trong đó chỉ có 65 người còn sống.

Với nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phần lớn người Do Thái, ông Gallant giải thích rằng việc gọi những thanh niên thuộc cộng đồng Do Thái giáo chính thống cực đoan nhập ngũ là vấn đề công bằng và an ninh ở thời điểm Israel đối mặt với rất nhiều thách thức.

Ngoài ra, ông Gallant đề nghị cần phải đạt một thỏa thuận con tin “càng sớm càng tốt khi họ vẫn còn sống”. Vị này cho biết một cuộc điều tra đầy đủ về sự kiện 7-10 là cách duy nhất để đảm bảo chính phủ sẽ rút ra những bài học thích hợp. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu nói rõ cuộc điều tra chỉ nên diễn ra khi chiến tranh kết thúc.

Nỗ lực duy trì quyền lực?

Trong vòng vài giờ sau khi ông Gallant bị sa thải, thân nhân của các con tin cùng với hàng chục ngàn người trên khắp Israel đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ. Họ cáo buộc ông Netanyahu phá hoại thỏa thuận con tin để duy trì quyền lực.

Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần bất đồng quan điểm với ông Gallant về cuộc chiến chống Hamas ở Gaza và ông từng vài lần tìm cách sa thải chính khách này. Kênh truyền hình 13 cho biết ông Netanyahu đã lợi dụng sự chú ý của thế giới đổ dồn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5-11 để loại bỏ đối thủ chính trị.

Một ngày trước khi mất ghế, ông Gallant thông báo đã gửi hàng ngàn lệnh gọi nhập ngũ tới những thanh niên thuộc cộng đồng Do Thái giáo chính thống cực đoan. Việc gọi những thanh niên này nhập ngũ là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất ở Israel. Các đảng Do Thái cực đoan, vốn là thành phần quan trọng trong liên minh cực hữu của Thủ tướng Netanyahu, đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để bảo vệ quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho sinh viên trong các chủng viện. Họ dọa sẽ rút khỏi chính phủ nếu thông báo nghĩa vụ quân sự được đưa ra.

Hồi tháng 6, Tòa án Công lý Tối cao Israel đã ra lệnh cho quân đội bắt đầu gọi nam giới trong cộng đồng này thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa thực hiện yêu cầu.

Các đối tác cứng rắn trong liên minh cầm quyền của ông Netanyahu cảnh báo sẽ “lật đổ” chính phủ nếu ông nhượng bộ Hamas. 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết