Năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Công Thương TP Cần Thơ duy trì được đà tăng trưởng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, phải nhìn nhận, nhiều lĩnh vực ngành phụ trách vẫn còn gặp khó, chưa đạt kết quả cao như kỳ vọng. Đề ra kế hoạch năm 2025, toàn ngành tiếp tục nỗ lực tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt...
Hoàn thành kế hoạch
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Riêng với ngành Công Thương đã tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về công tác phát triển hạ tầng công nghiệp - thương mại, chuyển đổi số, xúc tiến kết nối tiêu thụ, công tác hỗ trợ xuất khẩu… Các chợ truyền thống, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến hoặc các hành vi khác gây mất ổn định thị trường… góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ngành Công Thương thành phố cùng các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Công Thương, năm 2024, sản xuất công nghiệp được phục hồi, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,02% so với năm 2023. Sản xuất công nghiệp của thành phố tập trung vào phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và hạ giá thành sản phẩm; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thực phẩm, ứng dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp.
Thương mại - dịch vụ tăng trưởng hơn so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 136.000 tỉ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu của thành phố ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hệ thống bán buôn, bán lẻ ngày càng được chú trọng đầu tư, phân bố tương đối đồng đều, với tổng cộng 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện ích, 109 chợ truyền thống. Hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu, với hơn 300 cửa hàng xăng dầu, 4 kho xăng dầu đầu mối, công suất 193.000m3 và mạng lưới cửa hàng kinh doanh LPG (gas - khí hóa lỏng) phân bố rộng khắp luôn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp và du khách trên địa bàn.
Kết thúc năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thành phố ước đạt hơn 2.291 triệu USD, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 4,91% kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: gạo, thủy sản, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến, may mặc. Tính đến hết tháng 11, Sở đã cấp 17.794 bộ hồ sơ Chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O), tăng 2.574 bộ so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, thành phố xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 17% so với giai đoạn trước.
Ông Trần Minh Kiệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, ngành Công Thương cũng còn những mặt chưa đạt được như công tác kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm ngành Công Thương hiệu quả chưa cao. Mặc dù các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn ở mức thấp. Ngành Công Thương thành phố gặp các khó khăn như công tác kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm ngành Công Thương hiệu quả chưa cao; xúc tiến đầu tư lĩnh vực công thương còn chậm. Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu năm 2024 có tăng trưởng nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều đơn vị thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm người lao động để duy trì hoạt động kinh doanh; các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn mang tính hộ gia đình, thiếu vốn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; hoạt động thương mại - dịch vụ mặc dù diễn ra sôi nổi nhưng mức tiêu thụ hàng hóa thấp…
Nhiều giải pháp để tăng trưởng
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Công Thương thành phố, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ các khó khăn và hạn chế của ngành Công Thương thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2025 và đưa ngành phát triển trong thời gian tới.
Các ý kiến cho rằng, mặc dù đã nỗ lực kết nối nhiều doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả khả quan; các sản phẩm OCOP của địa phương chưa được giới thiệu trưng bày tại các chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại có mặt trên địa bàn thành phố. Hoạt động xúc tiến thương mại mặc dù được tăng cường thực hiện nhưng kết quả chưa khả quan… Do vậy, các đại biểu cho rằng, thời gian tới, ngành Công Thương cùng các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, xúc tiến mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt sản phẩm nông sản của địa phương. Phát triển và kết nối hệ thống logistics. Quan tâm rà soát, điều chỉnh, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phù hợp với tình hình mới, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư tại TP Cần Thơ...
Trong công tác quản lý thị trường, ông Lê Hoài Nhã, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ cho biết, Cục QLTT TP Cần Thơ là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP, trong năm 2024 Cục xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề, lĩnh vực như xăng dầu, LPG, thuốc lá (điện tử, thuốc lá nóng). Để góp phần đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, năm 2025 Cục QLTT thành phố tiếp tục thực hiện theo Chương trình, Định hướng, Kế hoạch của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Ban chỉ đạo 389 thành phố, UBND thành phố trong thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực hiện kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn thành phố; xây dựng Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 theo định hướng của Bộ Công Thương. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện nhiệm vụ…
Chỉ rõ những việc làm cụ thể trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Hè cho rằng: Muốn thúc đẩy kinh tế phải chú trọng 3 vấn đề, đó là đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu. Theo đó, trong công tác, ngành Công Thương phải có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn để phối hợp tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi, các sự kiện, hội chợ triển lãm để kích thích tiêu dùng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá, tìm kiếm doanh nghiệp các nhà đầu tư. Liên kết ngành, liên kết các địa phương để kết nối tiêu thụ, trao đổi hàng hóa. Đồng thời quan tâm triển khai việc chuyển đổi số của ngành theo đúng kế hoạch; đồng thời tiếp tục tham mưu phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua kênh phân phối hiện đại… “Việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư không chỉ là chung chung mà chúng ta cần phải quan tâm làm sao tiếp cận được các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Thậm chí cần phải làm giúp cho họ các trình tự thủ tục, hồ sơ cũng như quảng bá các chính sách đãi ngộ của thành phố. Không hô hào chung chung mà phải bằng công việc cụ thể, có như vậy mới mong mời gọi tốt các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NAM HƯƠNG