25/12/2024 - 20:18

Nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nông thôn bền vững 

Trong quá trình xây dựng (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ luôn quan tâm thực hiện tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất cũng như cải thiện thu nhập…

Đẩy mạnh triển khai

Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống, văn hóa, huyện Cờ Đỏ xác định phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm trong xây dựng NTM. Trong năm 2024, huyện tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM. Trong đó, mục tiêu là chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn, có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất theo quy trình VietGAP, an toàn sinh học…

Sản phẩm vú sữa của Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Điền đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Trong năm 2024, huyện hỗ trợ 3 hợp tác xã xây dựng quy trình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận; hỗ trợ 5 đơn vị tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thành phố; 16 đơn vị và cá nhân được hỗ trợ cập nhật thông tin lên sàn giao dịch điện tử (chonongsancantho, voso, postmart...). Đến nay có 17 đơn vị và cá nhân đã có chứng nhận VietGAP; 4 hợp tác xã có chứng nhận nhãn hiệu tập thể; 28 hợp tác xã và 6 hộ sản xuất kinh doanh được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc; 45 đơn vị và cá nhân được cấp mã vùng trồng. Đặc biệt, trong năm 2024, huyện đã phối hợp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đầu tiên của TP Cần Thơ sang thị trường Úc và Hoa Kỳ, xuất khẩu thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ… Từ đó, góp phần tăng doanh thu bình quân trên 1 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp năm 2024 huyện ước hơn 216 triệu đồng, đạt 111% kế hoạch; lợi nhuận bình quân ước đạt 105,8 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 16,4 triệu đồng so với năm 2023…

Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, góp phần xây dựng xã NTM nâng cao năm 2024, theo ông Trương Thành Tâm, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, huyện Thới Lai, xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình theo Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy về đẩy mạnh kinh tế hợp tác, hợp tác xã giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập...

Trên địa bàn xã Đông Bình có vùng nuôi thủy sản nguyên liệu tại ấp Đông Lợi gồm: cá thát lát, cá chốt, cá mè, cá lóc, cá điêu hồng, cá tra được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hầu hết nông dân trên địa bàn xã sản xuất lúa đều áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng như sử dụng máy xới, máy gặt đập liên hợp, máy tách đường nước, phun thuốc và rải phân bằng thiết bị bay không người lái... Bên cạnh đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngọc Thuận sản xuất hàng hóa tập trung đối với sản phẩm chủ lực của địa phương là lúa chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Xã có sản phẩm nho Mẫu đơn Cậu Mười đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện, được quảng bá qua kênh thương mại điện tử… Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã đạt 72,714 triệu đồng/người/năm.

Để phát triển bền vững

Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM TP Cần Thơ, thời gian qua, việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được các địa phương chú trọng quan tâm, đổi mới, mang lại hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các hợp tác xã được củng cố, hoạt động hiệu quả, có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Xây dựng mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, để phát triển kinh tế nông thôn bền vững, nâng cao thu nhập người dân, các địa phương cần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao và bền vững…

Có thể thấy, đa dạng và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn giúp các địa phương đưa sản xuất gắn liền với thực tiễn, chuyển đổi từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết, quy mô lớn với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị, ổn định trong tiêu thụ sản phẩm, sản xuất bền vững mà còn phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay. Để đạt được mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương đang tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Huyện thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong khâu bao tiêu hàng hóa, đặc biệt là xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu. Huyện thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo hướng có giá trị gia tăng; tiếp tục phát triển các hợp tác xã, các mô hình sản xuất tập thể, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết