23/12/2024 - 22:57

Ông Trump gây sức ép lên Kênh đào Panama 

Sau gợi ý về việc Canada có thể trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump  lần nữa công khai thảo luận tham vọng mở rộng lãnh thổ với đe dọa giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama và tìm cách mua vùng lãnh thổ tự trị Greenland của Đan Mạch.

Yếu tố Trung Quốc

Hoàn thành năm 1914 dưới sự giám sát chủ yếu của Mỹ, Kênh đào Panama được coi là “kỳ quan kỹ thuật” giúp giảm đáng kể thời gian và khoảng cách di chuyển giữa Đại Tây Dương - Thái Bình Dương. Năm 1977, Mỹ - Panama sau thời gian quản lý chung đã ký hiệp định mở đường cho việc trả lại quyền kiểm soát hoàn toàn kênh đào này vào năm 1999.

Ông Trump đưa ra các thông điệp mới khi phát biểu trước đám đông những người ủng hộ tại thành phố Phoenix, bang Arizona, hôm 22-12. Ảnh: BBC

Không giống Kênh Suez đào ngang mực nước biển, hạ tầng Kênh Panama khá phức tạp khi dựa vào nước ngọt. Khoảng 14.000 tàu thuyền đi qua kênh đào này trong năm 2022, tương đương 2,5% thương mại đường biển toàn cầu. Mỹ là bên sử dụng nhiều nhất, tiếp theo là Trung Quốc.

Những năm gần đây, Panama vật lộn với tình trạng thiếu nước và phải điều chỉnh tăng giá. Viết trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump ngày 21-12 cáo buộc Panama hiện áp mức phí cao vô lý, đặc biệt khi xét đến sự hào phóng mà Mỹ dành cho họ. Ông Trump còn nói rằng Mỹ “đang bị lừa” trong vụ Kênh đào Panama và nếu những nguyên tắc đạo đức lẫn pháp lý không được tuân thủ, Washington sẽ yêu cầu trả lại quyền điều hành công trình. “Chúng ta sẽ không bao giờ để tuyến hàng hải này rơi vào tay những bên không liên quan” - ông Trump cảnh báo về ảnh hưởng có thể có của Trung Quốc với Kênh đào Panama trong bối cảnh Bắc Kinh thay Washington trở thành đối tác thương mại lớn nhất khu vực.

Đáp lại, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino khẳng định độc lập quốc gia là không thể thương lượng; đồng thời cho biết phí qua Kênh đào Panama không phải thiết lập “tùy thích”. Ông cũng nói rõ Trung Quốc không có ảnh hưởng đến việc quản lý kênh đào. Được biết, Bắc Kinh không kiểm soát kênh đào Panama nhưng quyền quản lý 2 cảng nằm ở lối vào từ lâu thuộc về công ty con của tập đoàn đa quốc gia CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong.

Phong cách ngoại giao gây sức ép

Trong diễn biến liên quan, ông Trump khi tuyên bố lựa chọn đại sứ Mỹ tại Đan Mạch đã ngụ ý bản thân quan tâm việc nắm quyền kiểm soát Greenland. “Vì mục tiêu an ninh quốc gia và tự do trên thế giới, việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là cần thiết” - trích lời ông Trump. Trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông Trump từng tỏ ý định mua hòn đảo nằm trong khu vực chiến lược quan trọng ở Bắc Đại Tây Dương nhưng bị chính quyền Đan Mạch công khai từ chối.

Theo giới phân tích, những bình luận trên báo hiệu thay đổi dự kiến ​​trong chính sách ngoại giao của Nhà Trắng dưới thời Trump, người chưa từng ngại đe dọa đồng minh và sử dụng lời lẽ hiếu chiến với đối tác. Trong đó, Washington được dự báo theo đuổi chương trình nghị sự đối ngoại mang tính đối đầu, tận dụng các mối đe dọa phi truyền thống và đưa ra những yêu cầu rõ ràng để giành lợi thế trước đồng minh lẫn đối thủ.

Thời nhiệm kỳ đầu, ông Trump nhiều lần muốn “cấm cửa” TikTok với lý do mạng xã hội này xâm phạm riêng tư của người Mỹ cho mục đích gián điệp. Ngược lại, ông thường xuyên sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook… để bày tỏ các quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, vào những tháng cuối nhiệm kỳ, ông Trump đã bị hàng loạt các nền tảng mạng xã hội khóa tài khoản vì những tuyên bố của ông gây kích động bạo lực.

Từ đó, ông Trump đã tự xây dựng một mạng xã hội của riêng mình và chuyển sang sử dụng các nền tảng khác, trong đó có TikTok. Nền tảng mạng xã hội này thu hút hàng tỉ lượt xem trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Vì thế, không có ngạc nhiên khi Tổng thống đắc cử Mỹ hôm 22-12 đã nêu quan điểm ủng hộ việc cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại xứ cờ hoa. Một ngày trước đó, ông Trump có cuộc gặp CEO của TikTok Châu Thụ Tư.

Vào tháng 4, Thượng viện Mỹ do lo ngại an ninh quốc gia đã thông qua luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này trước ngày 19-1-2025. Tòa án Tối cao Mỹ đã đồng ý xem xét vụ việc.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết