Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng ở TP Cần Thơ nỗ lực đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ học.
“Bắt tay” cùng doanh nghiệp
Ngày hội việc làm năm 2024 do Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (CTUT) vừa tổ chức đã thu hút hàng trăm sinh viên (SV) tham dự. Bạn Diệp Chấn Hoàng, SV ngành Công nghệ kỹ thuật Ðiện - Ðiện tử, cho biết: Ngày hội rất bổ ích, giúp SV có cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhà trường luôn đề cao tính thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành, nên thường tổ chức cho SV tham gia các chuyến thực tập tại doanh nghiệp. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, SV được trang bị kỹ năng và tinh thần tự học, trau dồi ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Còn Lê Bảo Trúc Ngân, SV ngành Công nghệ thực phẩm, chia sẻ: “Tại ngày hội vừa qua, em đã gửi hồ sơ xin việc vào trung tâm giới thiệu việc làm cũng như theo dõi thêm các đơn vị tuyển dụng nhân sự phù hợp với ngành đã học”.
Hằng năm, CTUT có hơn 1.000 kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp ra trường; tỷ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 90%. Theo lãnh đạo CTUT, định hướng đến năm 2030, trường trở thành cơ sở đào tạo ứng dụng, quản lý liên ngành kỹ thuật công nghệ, góp phần quan trọng trong đào tạo đội ngũ trí thức trẻ, trình độ cao, hướng tới đào tạo theo phương thức đặt hàng của doanh nghiệp nhằm đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế, xã hội của TP Cần Thơ, ÐBSCL và cả nước, từng bước phục vụ cả thị trường lao động nước ngoài. Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, CTUT đặc biệt chú trọng đến công tác tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp thông qua việc gắn kết, hợp tác với doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng.
Theo NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng CTUT, nhà trường đã tăng cường kết nối hơn 100 doanh nghiệp để hỗ trợ SV thực hành, thực tập, giới thiệu việc làm... Ngày hội là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện các mục tiêu, chủ trương, chiến lược của trường trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực, giới thiệu việc làm cho SV, tiếp tục tăng cường phát triển hợp tác giữa trường với doanh nghiệp theo phương châm “Cùng đồng hành, cùng phát triển”.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ hàng hải Cảng Sài Gòn, trực thuộc Cảng Sài Gòn, cho biết công ty mong muốn tìm được những ứng viên phù hợp và tạo cơ hội việc làm cho SV, đặc biệt là lĩnh vực chuỗi công nghiệp và logistics. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục làm việc với các trường nói chung, CTUT nói riêng để thực hiện những dự án đào tạo. Trong đó, công ty sẽ là đơn vị nhận thực hành, nhà trường sẽ cung cấp các nguồn lực.
Ðầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo
Qua các hội nghị kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân lãnh đạo các đơn vị trường đại học, cao đẳng vào trung tuần tháng 12-2024 cho thấy, mỗi trường có phương thức riêng để nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng nhìn chung đều tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ, đổi mới và cập nhật chương trình đào tạo; tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng; đặc biệt, phần lớn các trường đều có tổ chức ngày hội việc làm.
Theo lãnh đạo các trường, ngày hội việc làm nhằm giúp SV tiếp cận với thị trường tuyển dụng lao động thực tế, trang bị những kỹ năng cần thiết, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, ngày hội còn góp phần tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp SV nâng cao nhận thức, tư duy chủ động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cho biết thời gian qua, nhà trường đã áp dụng mô hình KOSEN, 5S và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, quản lý đào tạo. Nhà trường cũng tăng cường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức thành công ngày hội việc làm... Nhờ đó, tỷ lệ học sinh, SV tốt nghiệp bậc cao đẳng có việc làm sau 1 năm đạt 95,12% và bậc trung cấp đạt 89,43%. Theo Ths Lê Hoàng Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, nhà trường đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; định hướng, tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán với các đối tác quốc tế tiềm năng; ký kết thành công nhiều bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác quốc tế... Ðặc biệt, năm 2024, trường tổ chức tiếp các đoàn công tác đến làm việc, cũng như thực hiện trao đổi trực tuyến về các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao chương trình đào tạo, trao đổi SV và giảng viên, nghiên cứu và chuyển giao khoa học ứng dụng, cơ hội làm việc và du học tại Nhật Bản, Ðài Loan, các nước châu Âu. Ðến nay, trường đã thực hiện thành công việc đưa 21 SV đi thực tập tại Nhật Bản.
Tương tự, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ xác định mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao tại TP Cần Thơ và trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi về kỹ năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với định hướng phát triển nhân lực trong nước và quốc tế... Lãnh đạo nhà trường đã đầu tư tập trung và đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý, đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong đó, chú trọng các nghề đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới…
Theo Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, hiện tại, trường đã ký kết với trên 50 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài TP Cần Thơ nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho học sinh, SV sau tốt nghiệp. Trường hiện có 6 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trở thành trường đầu tiên trong TP Cần Thơ đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có số lượng chương trình đào tạo được đánh giá đạt chuẩn nhiều nhất. Ðây là tiền đề quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở ÐBSCL và cả nước.
* * *
Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học cùng với hệ thống trường cao đẳng. Các trường đào tạo hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển TP Cần Thơ, ÐBSCL và cả nước. Tại các hội nghị kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân lãnh đạo các đơn vị trường đại học, cao đẳng, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề nghị các trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương thức đào tạo; đẩy mạnh liên kết đào tạo với các doanh nghiệp cũng như công tác chuyển đổi số trong mọi hoạt động; quan tâm đào tạo những ngành nghề xã hội đang cần, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển TP Cần Thơ và ÐBSCL, đặc biệt góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.l