Mới đây, quốc đảo Nauru và Úc đã công bố hiệp ước an ninh song phương mang tính bước ngoặt. Nó thúc đẩy mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương của Canberra, song đây lại được xem là một ví dụ điển hình về căng thẳng địa chính trị mà các quốc gia Thái Bình Dương dễ bị tổn thương đang phải đối mặt trong thế kỷ 21.
Tổng thống Nauru David Adeang (trái) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese sau lễ ký hiệp ước an ninh vừa qua. Ảnh: AFP
Viện trợ nhiều
Theo thỏa thuận, Úc sẽ hỗ trợ ngân sách cho Nauru 64 triệu USD và thêm 25 triệu USD để tăng cường lực lượng cảnh sát đảm bảo an ninh. Đổi lại, Nauru sẽ tham vấn Úc trước khi ký bất kỳ hiệp định song phương nào về an ninh hàng hải, quốc phòng và cảnh sát, cũng như quyền tiếp cận cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay hay lĩnh vực ngân hàng. Úc cũng có quyền phủ quyết bất kỳ sự tham gia nào của nước thứ ba vào "các lĩnh vực an ninh và cơ sở hạ tầng quan trọng" của Nauru.
Ngoài ra, Úc cũng vừa ký một thỏa thuận với Papua New Guinea (PNG) mà theo đó Canberra sẽ cung cấp cho Port Moresby khoảng tài trợ trị giá 373,5 triệu USD trong vòng 10 năm để đưa đội bóng bầu dục quốc gia của PNG tham gia Liên đoàn Bóng bầu dục Úc cũng như dự giải đấu bóng bầu dục nhà nghề NRL của Úc muộn nhất là vào năm 2028. Đổi lại, PNG sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận an ninh nào có thể cho phép cảnh sát hoặc binh sĩ Trung Quốc đóng quân tại quốc gia Thái Bình Dương này.
Trước đó, Úc và PNG hồi năm ngoái đã ký thỏa thuận an ninh, theo đó PNG sẽ ưu tiên tham vấn với Úc về các nhu cầu an ninh, gồm cả việc trang bị các thiết bị an ninh, mở rộng lực lượng, cơ sở hạ tầng, tư vấn, đào tạo và hỗ trợ hậu cầu. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Úc cam kết cung cấp 124,5 triệu USD trong 4 năm tới để hỗ trợ các ưu tiên về an ninh cho PNG.
Đáng chú ý, nhiều thông tin cho rằng Mỹ và PNG đã ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 864 triệu USD để giúp PNG phát triển cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị quân sự. Đổi lại, Mỹ được phép tiếp cận không hạn chế đối với 6 cảng và sân bay của PNG.
Nhưng kết quả đầy nghi vấn
Lâu nay, Úc chỉ hỗ trợ về mặt thể chế của các nước trong khu vực. Nhưng hiện nay, rất nhiều viện trợ phát triển của Canberra dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương lại thiên về cảnh sát và quốc phòng. Bên cạnh một loạt sáng kiến liên quan đến an ninh khác, Úc gần đây còn cam kết chi 249 triệu USD cho Sáng kiến Cảnh sát Thái Bình Dương. Tất cả đều là một phần của cái gọi là "ngoại giao quốc phòng", khiến giới quan sát chỉ trích việc chính trị hóa viện trợ gây tổn hại đến những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở Thái Bình Dương, vốn hầu hết đều có nền tảng kinh tế thấp, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ và biến đổi khí hậu. Đây cũng hiện là một trong những khu vực phụ thuộc vào viện trợ nhiều nhất trên thế giới.
Song, tính hiệu quả của các khoản viện trợ đó đang trong tình trạng nghi vấn giữa lúc các quốc gia nhận viện trợ trong khu vực vẫn đang phải vật lộn để đạt được các mục tiêu phát triển cũng như các cam kết ngoại giao và nhiều nghĩa vụ khác. Hồi tháng 8 vừa qua, Kiribati thậm chí còn tuyên bố không tiếp đón các nhà ngoại giao cho đến năm 2025 để chính phủ mới có "không gian" giải quyết các vấn đề trong nước.
Chưa kể, tất cả những thỏa thuận trên đều mang tính biểu tượng cho cuộc cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra ở Thái Bình Dương giữa một bên là Trung Quốc với một bên là Mỹ và các đồng minh.