20/12/2024 - 08:49

Phe cực hữu Ðức lại bàn về “Dexit” 

Trong bản dự thảo tuyên ngôn bầu cử, đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Ðức (AfD) cam kết sẽ đưa Berlin rời Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) nếu giành được quyền lực.

Những người ủng hộ AfD giơ biểu ngữ “’Nước Ðức trước tiên”.

Ngày 16-12, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, dẫn tới giải tán cơ quan lập pháp và tiến hành bầu cử sớm vào tháng 2-2025. Theo giới phân tích, đây là kết quả mà ông Scholz dự kiến với hy vọng cử tri Ðức bầu ra Quốc hội cùng chính phủ liên minh mới có chức năng quản trị tốt hơn do đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông nắm đa số.

Nhưng đặt cược vào niềm tin SPD chiến thắng là tính toán quá lạc quan. Ngoài Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU)/Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đối lập đang được nhiều cử tri ủng hộ, yếu tố đáng lo ngại khác là phe cực hữu mang màu sắc dân túy như AfD cũng có khả năng thu phục những cử tri vỡ mộng do tình trạng rối loạn chính trị. Trong 2 cuộc bầu cử cấp bang hồi tháng 9, AfD đã vươn lên giành vị trí đầu tiên. Hiện AfD đứng vị trí thứ hai với 18% ủng hộ từ những người được khảo sát, trong khi SPD ở vị trí thứ 3 (16%) và đảng Xanh (14%).

Nổi lên vào năm 2013, AfD đươc biết tới như tổ chức chính trị của các nhà kinh tế bất mãn trước các gói cứu trợ của EU sau cuộc khủng hoảng đồng euro. Về cơ bản, AfD là đảng theo chủ nghĩa dân tộc, phản đối toàn cầu hóa. Với họ, tất cả tổ chức quốc tế như EU hay Liên Hiệp Quốc đều tồn tại vì mục đích và giá trị riêng, là mối nguy hiểm đối với ý chí thực sự của người dân. Những năm gần đây, AfD tập trung vào các vấn đề được quan tâm như nhập cư, xung đột Ukraine, khủng hoảng mô hình kinh tế trong nước và đấu đá nội bộ. “Chúng tôi muốn làm tốt hơn để đưa nước Ðức tiến lên, một lần nữa đứng đầu thế giới” - đồng lãnh đạo AfD Alice Weidel nói khi được đề cử làm ứng cử viên thủ tướng. Theo bà, Ðức đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử và AfD cam kết sẽ mang lại thay đổi cho quốc gia. Theo lời hứa này, AfD trong bản dự thảo tuyên ngôn bầu cử vừa gửi tới các thành viên hướng tập trung vào cam kết đưa Ðức rời EU (Dexit) để lập cộng đồng hợp tác kinh tế và lợi ích mới giữa các quốc gia châu Âu có chủ quyền. AfD cũng muốn rút Berlin khỏi Eurozone.

Kế hoạch phi thực tế

Kế hoạch của AfD thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước EU, trong đó, họ đang đặt cược vào việc ngày càng có nhiều quốc gia đồng tình với chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, dẫn tới nhu cầu phát triển theo hướng Âu - Á với triển vọng kinh tế - chính trị mới. Tuy nhiên, Giáo sư Tiến sĩ Hubertus Bardt tại Viện Kinh tế Ðức (IW) coi đây là khái niệm “không thực tế, vô nghĩa và mơ hồ”.

Trước tiên về mặt pháp lý, rời EU không phải quy trình dễ dàng vì tư cách thành viên của Ðức được neo giữ trong Hiến pháp, đồng nghĩa ngay cả khi Chính phủ do AfD lãnh đạo tuyên bố Ðức rút khỏi EU thì về cơ bản đây là hành vi vi hiến. Dexit cũng đòi hỏi sự tán thành của đa số 2/3 trong Quốc hội Ðức. Về mặt xã hội, hầu hết người dân không ủng hộ Dexit khi kết quả khảo sát do Quỹ Konrad Adenauer (KAS) công bố cho thấy 87% người Ðức sẽ bỏ phiếu ở lại EU trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Rút kinh nghiệm từ Brexit

Theo Tiến sĩ Bardt, việc phá hủy EU sẽ không dẫn đến một mô hình hội nhập mới và tốt hơn. Thay vào đó, Dexit là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đã được báo trước với nghiên cứu của IW chỉ ra rằng Ðức sẽ thiệt hại 725 tỉ USD và tổng sản phầm quốc nội (GDP) giảm 5,6% trong vòng 5 năm rời EU. Hậu quả này tương đương thiệt hại do đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng cộng lại.

Theo báo cáo của Cambridge Econometrics, rời EU đang kìm hãm tăng trưởng và việc làm ở Anh. Nếu so với Anh, quy trình ở Ðức sẽ phức tạp và Berlin cũng chịu nhiều ảnh hưởng hơn do mối gắn kết chặt chẽ trong EU, điển hình là việc sử dụng đồng euro.

MAI QUYÊN (Theo DW)

 

Chia sẻ bài viết