Cuộc chiến Nga - Ukraine ngày càng bộc lộ rõ các nhược điểm lớn của nền công nghiệp quốc phòng châu Âu vốn lâu nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào “ông lớn Mỹ”. Khi Mỹ dồn sức viện trợ quân sự cho Ukraine, Ba Lan đã phải tìm kiếm nguồn cung vũ khí chưa từng có từ Hàn Quốc. Trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại nắm quyền càng thúc đẩy các cường quốc châu Âu chạy đua xây dựng lại năng lực quốc phòng trước một tương lai bất định bởi những mối đe dọa an ninh hiện hữu.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell trao đổi văn kiện ký kết với Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya. Ảnh: Getty Images
Hiệp định Trinity House được Anh và Ðức ký hôm 23-10 đã cho thấy điều đó. Ðây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên giữa 2 quốc gia chi nhiều nhất cho quốc phòng ở châu Âu. Theo thỏa thuận, các máy bay săn ngầm của không quân Ðức sẽ đến hoạt động ở căn cứ Lossiemouth ở Scotland, đồng thời "gã khổng lồ" vũ khí Ðức Rheinmetall có thể mở một nhà máy sản xuất nòng pháo tại Anh và sử dụng thép của xứ sương mù. Những nòng pháo đầu tiên dự kiến được sản xuất vào năm 2027.
Bên cạnh đó, 2 nước sẽ cùng hợp tác phát triển vũ khí tấn công tầm xa với độ chính xác cao hơn so với những hệ thống hiện tại. Theo tuyên bố chung, Luân Ðôn và Berlin sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để phát triển công nghệ máy bay không người lái (UAV), gồm việc tích hợp các hệ thống tên lửa chung, chẳng hạn như tên lửa Brimstone, vào phi đội UAV và chia sẻ kế hoạch phát triển các hệ thống UAV có khả năng tương tác. Quân đội Anh và Ðức cũng sẽ cùng nhau tổ chức các chương trình huấn luyện quân sự thường xuyên hơn nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực sườn phía Ðông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Mục tiêu chiến lược chung của Anh và Ðức là duy trì khả năng răn đe hiệu quả đối với những mối đe dọa an ninh tiềm tàng, bằng cách xây dựng các lực lượng quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng đáng tin cậy, kiên cường, hướng tới tầm nhìn về một khu vực châu Âu - Ðại Tây Dương hòa bình, ổn định.
Tư lệnh tối cao Bộ chỉ huy chuyển đổi liên minh (SACT) Pierre Vandier của NATO cho rằng châu Âu cần phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn, chi tiêu nhiều hơn, nhanh hơn và cắt giảm bộ máy quan liêu để giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới.
Vị đô đốc người Pháp nhấn mạnh: “Châu Âu không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến vũ trang trong tương lai với những quy tắc mà họ tự áp đặt cho mình hôm nay. Nếu muốn tiếp tục chạy đua vũ trang, châu Âu phải thay đổi luật lệ của mình”. Theo ông Vandier, châu Âu cần nâng mức chi tiêu quân sự lên 3% GDP, thay vì phấn đấu đáp ứng ít nhất 2% GDP như cam kết với NATO. Thời Chiến tranh lạnh, chi tiêu quân sự đạt 4-5% GDP.
ĐỨC TRUNG
|
Trước đó, Pháp và Ðức hồi tháng 4 cũng đã ký thỏa thuận trị giá hàng tỉ euro để mở đường cho việc thực hiện dự án xe tăng chung mang tên Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực (MGCS). Loại "xe tăng của tương lai" này được thiết kế để thay thế dòng xe tăng Leopard 2 của Ðức và Leclerc của Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Ðức Boris Pistorius đã hết lời ca ngợi dự án, xem đây là một thành tựu mang tính "đột phá" giữa 2 nước.
Ðược biết, MGCS là dự án công nghiệp vũ khí lớn thứ hai giữa 2 cường quốc châu Âu. Trước đó, Pháp và Ðức hồi năm 2017 đã công bố dự án chế tạo "Hệ thống Tác chiến trên không tương lai" (FCAS). 2 năm sau đó, Tây Ban Nha "nhảy vào" dự án này. FCAS hướng tới mục tiêu phát triển một bộ hệ thống thống trị trên không, với chiến đấu cơ thế hệ 6 NGF là trọng tâm. NGF có động cơ, các hệ thống vũ khí mới, cảm biến hiện đại, công nghệ tàng hình cũng như khả năng kết nối với UAV và "đám mây tác chiến". NGF được chế tạo nhằm thay thế các tiêm kích Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của Ðức và Tây Ban Nha.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 3 đã công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu nhằm mục đích củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng dành cho lục địa già. Mặt khác, EC cũng đã chấp thuận khoản tài trợ trị giá 300 triệu euro cho 5 dự án mua sắm quốc phòng chung của các quốc gia thành viên.
Theo giới phân tích, cơ chế mua sắm chung nói trên là bước tiến mới trong nỗ lực của khối gồm 27 quốc gia thành viên nhằm trở thành một bên tham gia đáng tin cậy hơn trong lĩnh vực quốc phòng trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ về an ninh. Trong 2 năm qua, 78% thiết bị quốc phòng mà các thành viên EU mua được chủ yếu là từ các nhà sản xuất của xứ cờ hoa. Do đó, chiến lược quốc phòng mới của EU yêu cầu các quốc gia thành viên chi một nửa ngân sách quốc phòng cho các nhà cung cấp của EU vào năm 2030 và 60% vào năm 2035.
Hai "trường phái" đối lập
Các cường quốc châu Âu nỗ lực hợp tác phát triển năng lực quốc phòng trong điều kiện họ được cho đang ở hai phía đối lập. Chẳng hạn, Pháp mạnh mẽ thúc đẩy châu Âu đầu tư vào một đội quân hùng mạnh và tự chủ hơn. Tổng thống Emmanuel Macron đã nhiều lần kêu gọi "chủ quyền châu Âu" và "quyền tự chủ chiến lược" để cân bằng sự thống trị của Mỹ đối với NATO. Nhà lãnh đạo xứ gà trống Gaulois cũng bày tỏ nỗi lo về việc nhiều chính phủ châu Âu quá phụ thuộc vào Mỹ về an ninh. Trong khi đó, Ðức lại cảm thấy thoải mái trước quan hệ đối tác không bình đẳng giữa châu Âu với Mỹ.
Hiện nỗ lực lấp đầy kho vũ khí đã cạn kiệt của châu Âu đang diễn ra với hai "trường phái". Theo đó, các quốc gia như Ba Lan, Ðức đang mua chiến đấu cơ, tên lửa, đạn dược từ Mỹ và các đồng minh châu Á. Riêng Ba Lan, quốc gia chi hơn 4% GDP cho quốc phòng, đã mua hàng trăm xe tăng, máy bay chiến đấu, trực thăng, bệ phóng tên lửa và lựu pháo từ Mỹ và Hàn Quốc cùng với khinh hạm do Anh phát triển. Các nước Trung Âu và Ðông Âu cũng mua vũ khí của Mỹ.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul hồi đầu tháng 11-2024.Ảnh: EU
Trong khi đó, Pháp thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng "Sản xuất tại châu Âu" để tăng khả năng tự cung tự cấp. Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Thụy Ðiển còn lập luận rằng nguồn tài trợ của châu Âu nên được sử dụng để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất thiết bị quân sự của châu Âu, giúp chuỗi cung ứng trở nên vững chắc hơn và tạo ra nguyên liệu thô, linh kiện thay vì nhập khẩu chúng.
Giới phân tích cho rằng chính "chiến dịch quân sự đặc biệt" do Nga phát động ở Ukraine đã khiến châu Âu thoát khỏi sự tự mãn về chi tiêu quân sự. Sau khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm trong những thập niên từ khi Liên Xô sụp đổ, cuộc chiến đã khơi dậy những nỗ lực của châu Âu nhằm xây dựng năng lực sản xuất quân sự và kho vũ khí gần như trống rỗng. Theo Hiệp hội các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, an ninh và quốc phòng châu Âu (ASD), ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu hồi năm ngoái tăng trưởng 16,9%, đạt doanh thu gần 160 tỉ euro, tạo việc làm cho 581.000 người. ASD cho biết, xuất khẩu quốc phòng ra bên ngoài EU năm 2023 cũng tăng 12,6%, đạt mức 57,4 tỉ euro. Bất chấp sự tăng trưởng này, ASD cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang đối diện với nhiều thách thức đáng kể.
"Nhiều thập niên đầu tư không đủ và mua sắm theo kiểu mua sẵn từ các nhà cung cấp không phải của châu Âu đã dẫn đến năng lực sản xuất ở châu Âu giảm mạnh - sai sót chiến lược đã bị phơi bày sau khi Nga tấn công Ukraine. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, ngân sách quốc phòng kết hợp của các thành viên EU chỉ tăng khoảng 20%, một con số không đáng kể so với mức chi dành cho quốc phòng của Nga và Trung Quốc, vốn lần lượt tăng gần 300% và 600% trong giai đoạn đó" - ASD cho hay.
EU thiết lập quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng với Nhật Bản, Hàn Quốc
Ðầu tháng 11-2024, Ðại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã đến Nhật Bản và Hàn Quốc dự hội nghị đối thoại chiến lược lần đầu tiên với 2 nước này và ký kết hiệp ước thiết lập quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng với cả Tokyo và Seoul.
Ông Borrell cho rằng sự kiện trên là bước đi mang tính lịch sử, diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu đang thay đổi sâu sắc. Theo báo Nikkei Asia, động thái này đánh dấu lần đầu tiên EU thiết lập quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng với các quốc gia châu Á nhằm tiến tới hợp tác chung trong các dự án phát triển công nghiệp quốc phòng. Hiện tại, Brussels đã thiết lập đối tác an ninh và quốc phòng với các nước không phải là thành viên EU như Na Uy.
Trong khi đó, những năm gần đây, Nhật Bản tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng với các nước trên thế giới. Năm 2023, Nhật Bản cùng với Anh và Ý đã ký hiệp ước nhằm thiết lập chương trình phát triển máy bay tiêm kích thế hệ mới.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)