30/11/2024 - 18:01

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên 

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới Akademik Lomonosov của Nga.  Ảnh: AP

Nga hiện đang vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới, Akademik Lomonosov, từ tháng 12-2019. Ðược trang bị hai lò phản ứng KLT-40S, nhà máy có công suất 70 MW điện và 300 MW nhiệt, cung cấp năng lượng cho khu vực Bắc Cực. Nga còn có kế hoạch xây dựng thêm 5 nhà máy nổi phục vụ các mỏ dầu khí của Gazprom tại vùng Bắc Cực.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển ACPR50S với công suất 60 MW, nhằm cung cấp năng lượng cho các giàn khoan dầu và đảo dọc bờ biển phía Ðông. Dự kiến nước này sẽ xây dựng tới 20 nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai.

Dự án mới của Westinghouse và CORE POWER sử dụng lò phản ứng micro eVinci, có thể hoạt động liên tục 8 năm không cần nạp nhiên liệu. CEO CORE POWER Mikal Boe nhấn mạnh việc kết hợp công nghệ hạt nhân tiên tiến với quy trình sản xuất tại nhà máy đóng tàu sẽ giúp triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

Nhà máy điện hạt nhân nổi mang lại nhiều lợi thế độc đáo như tính cơ động và khả năng cung cấp năng lượng cho vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, công nghệ này cũng đặt ra những thách thức về môi trường và an toàn do phải đối mặt với điều kiện biển và rủi ro tai nạn.

Mỹ từng vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi MH-1A từ 1967 đến 1976. Với thỏa thuận mới công bố, nước này đang quay trở lại cuộc đua công nghệ đầy tiềm năng, hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho ngành năng lượng sạch toàn cầu.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu mới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), việc hạn chế phát triển điện hạt nhân sau thảm họa Chernobyl năm 1986 đã gián tiếp gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch.

Nghiên cứu cho thấy sau sự cố Chernobyl, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới gần như đình trệ. Nếu xu hướng phát triển trước đó được duy trì, riêng Mỹ có thể đã xây dựng thêm 170 lò phản ứng. Thay vào đó, hiện nay điện hạt nhân chỉ đóng góp 20% sản lượng điện của Mỹ, chủ yếu từ các lò phản ứng nước nhẹ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước.

Các nhà kinh tế ước tính mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng có thể cứu được hơn 800.000 năm tuổi thọ nhờ giảm ô nhiễm không khí. Trên toàn cầu, việc giảm 389 nhà máy điện hạt nhân sau Chernobyl đã khiến các quốc gia mất đi 318 triệu năm tuổi thọ dự kiến, trong đó riêng Mỹ mất 141 triệu năm.

So sánh với tác động của ô nhiễm không khí, các số liệu về tử vong liên quan đến điện hạt nhân thấp hơn đáng kể. Sự cố Three Mile Island ở Mỹ năm 1979 không gây thương vong, thảm họa Fukushima 2011 ở Nhật chỉ dẫn đến một ca tử vong do phóng xạ nhiều năm sau đó. Tại Chernobyl, vụ nổ lò phản ứng khiến 2 công nhân thiệt mạng và 47 nhân viên cứu hộ sau đó tử vong do phơi nhiễm phóng xạ.

Ngược lại, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Ðánh giá Số liệu Y tế của Mỹ, ô nhiễm không khí gây ra 4,2-4,5 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Riêng tại Mỹ, ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch gây ra 194.000 ca tử vong sớm, tương đương mất 5,7 triệu năm tuổi thọ hàng năm.

THANH TÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết