Cách đây 4 năm, Keshav Raj tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính tại Học viện Khoa học và Công nghệ SRM. Raj đạt loại khá và được thực tập tại các công ty khởi nghiệp ở Ấn Ðộ và Indonesia để tăng cơ hội có việc làm. Anh hy vọng sẽ được làm việc tại bộ phận dữ liệu của một văn phòng chính phủ hoặc một tập đoàn đa quốc gia.
Lao động Ấn Độ trong một giờ làm việc ở nước ngoài. Ảnh: AFP
Song, sau nhiều cuộc phỏng vấn, Raj vẫn chưa tìm được một công việc như mong muốn. Trong cơn tuyệt vọng, anh đã đảm nhận vai trò giám đốc chăm sóc khách hàng tại một trung tâm năng lực toàn cầu thuộc công ty công nghệ đa quốc gia Amazon (Mỹ). Mỗi tháng anh kiếm được 22.000 rupee (tương đương 260USD), chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt và trả dần khoản vay thời sinh viên. Hiện Raj đang nỗ lực tìm kiếm việc làm bên ngoài Ấn Ðộ, “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì”.
Thị trường việc làm trong nước trì trệ
Raj chỉ là một trong số hàng trăm ngàn người Ấn Ðộ có học thức đang tìm kiếm việc làm bên ngoài quốc gia Nam Á này với hy vọng nhận được mức lương cao, thăng tiến trong sự nghiệp, từ đó có mức sống cao hơn. Dữ liệu từ cổng thông tin việc làm Foundit cho thấy, lượng việc làm quốc tế được các công ty tìm kiếm nhân tài tại Ấn Ðộ đăng trên nền tảng này tăng 11,4%, trong khi lượng đơn xin việc của người dùng Ấn Ðộ trên nền tảng này tăng 59,4%. Anurag Sinha, Giám đốc sản phẩm và công nghệ của Foundit, cho rằng chính việc các công ty Ấn Ðộ thận trọng trong tuyển dụng đã khiến người lao động khó tìm được việc làm, từ đó dẫn tới sự gia trong việc tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Theo ông Sinha, Canada, Úc và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) là những điểm đến hàng đầu mà lao động Ấn Ðộ “nhắm” tới. Ông Sinha cho hay, ngoài việc thị trường việc làm trong nước trì trệ, lao động Ấn Ðộ, đặc biệt là những người từng theo học các ngành liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, muốn tìm kiếm cơ hội tại các công ty toàn cầu, bởi họ muốn tiếp cận với các công nghệ tiên tiến cũng như muốn có thu nhập cao hơn.
Thật ra, vấn đề trên tại Ấn Ðộ không phải là mới. Tình trạng chảy máu chất xám ở nước này bắt đầu từ đầu những năm 2000 khi các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và kỹ thuật của Ấn Ðộ tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ. Nhà kinh tế học phát triển Jayati Ghosh tại Ðại học Massachusetts Amherst (Mỹ) cho biết, trong hơn một thập niên qua, Ấn Ðộ “thất thoát” rất nhiều lao động ở mọi trình độ. Phát biểu trong chương trình Inside India của kênh CNBC, bà Ghosh cho rằng “một cuộc khủng hoảng việc làm” đang xảy ra ở Ấn Ðộ. “Chúng tôi có một thế hệ trẻ đầy khát vọng và muốn sống một cuộc sống tốt đẹp hơn cha mẹ mình. Họ đã theo học đại học. Gia đình họ đã bán đất đai hoặc tài sản để nuôi họ ăn học nhưng giờ họ không thể kiếm được việc làm. Cuộc khủng hoảng việc làm của Ấn Ðộ xảy ra là bởi số lượng việc làm trong nước không tăng theo tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia là 5-7%/năm” - bà Ghosh cho hay.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ việc làm trên dân số Ấn Ðộ hiện ở mức 52,8%.
Gây tổn thất kinh tế lớn
Liên Hiệp Quốc ước tính, Ấn Ðộ có cộng đồng người di cư lớn nhất thế giới khi khoảng 18 triệu người sống bên ngoài quốc gia nơi họ được sinh ra. Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của nước này đã chứng kiến sự di cư của hơn 1 triệu bác sĩ và 2 triệu y tá. Họ chủ yếu đến các nước như Mỹ, Anh, Canada và Úc. Trong khi đó, ngành công nghiệp công nghệ thông tin - nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của Ấn Ðộ - cũng đã chứng kiến sự di cư của hơn 2 triệu chuyên gia kể từ đầu những năm 2000. Hàng năm, khoảng 200.000 sinh viên Ấn Ðộ theo học đại học ở nước ngoài nhưng có đến 85% trong số họ chọn không trở về quê hương.
Tác động kinh tế của tình trạng chảy máu chất xám tại Ấn Ðộ là rất đáng kể. Nhiều ước tính cho thấy, Ấn Ðộ hàng năm mất khoảng 160 tỉ USD do chảy máu chất xám. Trong đó, ngành chăm sóc sức khỏe bị tổn thất nhiều nhất. Hiện Ấn Ðộ đang đang phải đối mặt với tình trạng thiếu 2,4 triệu bác sĩ để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi các chuyên gia y tế đổ xô di cư.
Tuy nhiên, lượng kiều hối do cộng đồng người Ấn Ðộ ở nước ngoài gửi về mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Năm 2018, kiều hối gửi về Ấn Ðộ đạt tổng cộng 80 tỉ USD, chiếm 2,8% GDP của nước này. Số tiền này đã hỗ trợ hàng triệu hộ gia đình, tài trợ cho giáo dục, hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe và xây dựng nhà ở. Ngoài ra, nguồn kiều hối còn cung cấp nguồn thu nhập ổn định, giúp nền kinh tế Ấn Ðộ chống lại các cú sốc tài chính toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính dòng kiều hối ổn định đã giúp Ấn Ðộ duy trì sự ổn định kinh tế.
Không những vậy, tình trạng di cư lao động còn mang lại nhiều mặt tích cực khác. Theo đó, khoảng 15-25% người Ấn Ðộ di cư trở về nước sau khi có được kinh nghiệm quý báu ở nước ngoài. Những người hồi hương này giới thiệu các kỹ thuật y tế, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, mang lại lợi ích đáng kể cho ngành công nghiệp trong nước. Mạng lưới kiều bào cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh doanh quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Ấn Ðộ.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)