17/12/2024 - 12:46

Các nước dọn đường khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria 

Chỉ một tuần sau khi phiến quân lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, nhiều quốc gia đang nỗ lực thiết lập liên lạc với chính phủ lâm thời của Syria nhằm hỗ trợ quốc gia này ổn định cũng như tìm kiếm một vai trò mới ở “Syria thời hậu Assad”.

Đặc phái viên LHQ về Syria Pedersen (trái) trao đổi với thủ lĩnh HTS Golani vào ngày 15-12. Ảnh: AFP

Phát biểu tại thủ đô Damascus ngày 15-12, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen đã kêu gọi “tăng cường và ngay lập tức” viện trợ cho Syria, nói rằng đất nước bị chiến tranh tàn phá này đã trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo rất lớn.

Sau đó, ông đã gặp thủ lĩnh nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Mohammed al-Golani để thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Ông Pedersen cho biết LHQ đang theo dõi chặt chẽ tình hình đang diễn biến nhanh chóng ở Syria và mong đợi những bước tiếp theo hướng tới quá trình chuyển tiếp chính trị sau khi chính quyền Assad sụp đổ. Vị quan chức LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thể chế nhà nước Syria được khôi phục hoàn toàn chức năng của mình trong điều kiện an toàn. Ông Pedersen không muốn chứng kiến bất kỳ hành động trả thù nào.

Về phần mình, ông Golani nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác “nhanh chóng và hiệu quả” để giải quyết nhu cầu của người dân Syria, khôi phục sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và mở đường cho công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế.

Thủ lĩnh HTS cho biết Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua vào năm 2015 liên quan đến quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria, hiện cần được cập nhật để phản ánh thực tế hiện nay tại quốc gia này, đồng thời kêu gọi một “cách tiếp cận mới” phù hợp với giới lãnh đạo mới và hoàn cảnh đang thay đổi của Syria.

Trở lại Syria sau nhiều năm vắng bóng

Một phái đoàn Qatar cũng đã đến Syria để gặp các quan chức chính phủ chuyển tiếp. Được biết, Đại sứ quán Qatar tại Syria sẽ nối lại hoạt động vào ngày 17-12, 13 năm sau khi đóng cửa trong giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy chống chính quyền Assad. Không giống như các quốc gia Arab khác, Qatar chưa bao giờ khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria dưới thời ông Assad.

Cuối tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ, một bên tham gia chính trong cuộc xung đột Syria, đã mở lại đại sứ quán nước này tại Damascus sau 12 năm. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cho biết Ankara sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự cho chính phủ mới do phe Hồi giáo lãnh đạo ở Syria nếu được yêu cầu. 

Ngoại trưởng Anh David Lammy thông báo Luân Đôn đã thiết lập liên lạc ngoại giao với HTS, nhóm lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ ông Assad ngày 8-12. Ông Lammy cho biết HTS vẫn là “một tổ chức khủng bố bị cấm, nhưng chúng tôi vẫn có thể có liên lạc ngoại giao”. Luân Đôn cũng tuyên bố sẽ giải ngân 50 triệu bảng Anh viện trợ nhân đạo cho những người Syria “dễ bị tổn thương nhất” ở Syria và ở các nước láng giềng Lebanon, Jordan.

Phía Mỹ cũng đã liên lạc trực tiếp với HTS, mặc dù Washington đã liệt nhóm này vào tổ chức khủng bố vào năm 2018.

Trong khi đó, quyền Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết Paris sẽ cử một nhóm 4 nhà ngoại giao đến Damascus vào ngày 17-12 để thiết lập liên lạc ban đầu với chính quyền mới. Nhóm này cũng sẽ “đánh giá các nhu cầu cấp thiết của người dân Syria”.

Đây sẽ là lần đầu tiên sau 12 năm một đoàn phái ngoại giao Pháp đến Syria. Chính quyền Pháp đã cắt đứt quan hệ với chính quyền Assad khi nội chiến Syria nổ ra vào năm 2012.

Thách thức lớn ở phía trước

Sự bình yên đang dần trở lại trên các con phố Damascus, với việc trẻ em đã đến trường vào ngày 15-12.

“Những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là sự tàn phá nghiêm trọng cơ cấu thể chế về mặt nguồn nhân lực, kinh tế địa phương và cơ cấu xã hội”, Thống đốc lâm thời của Damascus, ông Maher Marwan chia sẻ.

Thủ lĩnh HTS cùng ngày công bố kế hoạch cải cách kinh tế và an ninh toàn diện, bao gồm đề xuất tăng lương 400% cho công nhân và giải trừ vũ khí của tất cả các phe phái vũ trang ở Syria. Tái thiết và tái định cư đang là ưu tiên quan trọng tại quốc gia bị xung đột tàn phá này.

Trong khi đó, quyết định mới nhất của Israel về việc mở rộng các khu định cư tại Cao nguyên Golan đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước Arab, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng. Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 15-12 đã thông qua kế hoạch trị giá hơn 40 triệu shekel (tương đương 11 triệu USD) với mục tiêu tăng gấp đôi dân số người Israel sinh sống tại Cao nguyên Golan. Ông Netanyahu khẳng định việc củng cố sự hiện diện tại khu vực này là yếu tố then chốt trong chiến lược an ninh của Israel, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn gia tăng tại biên giới với Syria. Ông nhấn mạnh: “Củng cố Golan chính là củng cố Nhà nước Israel”.

Cao nguyên Golan là vùng đất rộng khoảng 1.800km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Israel kiểm soát khoảng 2/3 diện tích cao nguyên Golan sau chiến tranh năm 1967 và đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này năm 1981. Hiện tại, Cao nguyên Golan có khoảng 30.000 người Israel sinh sống, bên cạnh khoảng 23.000 người Druze (một cộng đồng Arab theo nhánh Hồi giáo riêng), phần lớn vẫn giữ quốc tịch Syria.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết