Chính trường Ðức ghi nhận những diễn biến mới với việc Quốc hội liên bang bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ thiểu số theo đề nghị của Thủ tướng Ðức Olaf Scholz. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, chính phủ liên minh ba đảng (Dân chủ Xã hội - SPD, đảng Xanh và Dân chủ Tự do - FPD) đã không có được số phiếu ủng hộ quá bán và Thủ tướng Scholz phải yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giải tán quốc hội để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23-2-2025 tới, tức là sớm khoảng 9 tháng so với kế hoạch.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters
Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Scholz vẫn sẽ giữ quyền điều hành chính phủ liên minh, hiện chỉ còn hai đảng SPD và đảng Xanh, cho tới khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử liên bang năm sau. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đánh dấu sự kết thúc chính thức của chính phủ liên minh.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Thủ tướng Scholz lại yêu cầu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm để “được” thua và mở đường tiến tới bầu cử sớm. Theo giới phân tích, cũng giống như cách mà cựu Thủ tướng Gerhard Schröder đã làm cách đây 20 năm, các chuyên gia chính trị gọi đó là “yêu cầu giả tạo về tín nhiệm”. Nhưng có một điểm khác biệt lớn so với năm 2005 là ngược lại với ông Schröder, ông Scholz đã mất đa số trong quốc hội từ trước cuộc bỏ phiếu. Phát biểu trên đài truyền hình RTL sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Scholz tuyên bố “mọi thứ đang bắt đầu ngay bây giờ và người dân hiện đã có tiếng nói của mình”.
Trong gần 3 năm qua, liên minh “đèn giao thông” (theo màu biểu trưng của ba đảng trong liên minh là đỏ-xanh-vàng) đã lục đục mâu thuẫn khiến lòng tin của công chúng vào chính phủ ngày càng suy giảm. Ban đầu, tự nhận là một “liên minh tiến bộ”, chính phủ muốn hiện đại hóa đất nước và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (đảng Xanh) đã mô tả thỏa thuận liên minh là một “tài liệu hy vọng”. Tuy nhiên, bất đồng về chính sách ngân sách và kinh tế đã gây tổn hại tới bầu không khí chung. Những khác biệt trong chương trình của các chính đảng không thể được thu hẹp, tình trạng “đồng sàng dị mộng” kéo dài và tan rã là không thể tránh khỏi.
Ðối với nhiều người Ðức, sự chấm dứt của chính phủ liên minh 3 đảng là một tin vui trước Lễ Giáng sinh. Thay vì hợp tác trong chính phủ liên minh, 3 đảng đã chuyển sang thế đối đầu, không ngại ngần công kích lẫn nhau trong khi phải giải quyết vô số vấn đề, như cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát, suy thoái kinh tế, khủng hoảng người tị nạn châu Âu và bước tiến chưa từng có của phe cực hữu trong các cuộc bầu cử.
Không thể phủ nhận những kết quả chính phủ liên minh đã làm được, đó là việc xử lý khủng hoảng năng lượng, đạt được nhiều tiến bộ trong chính sách di cư và năng lượng cũng như phản ứng thích hợp trước cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm nhiều hơn là cuộc khủng hoảng kinh tế thì dường như chính phủ đã phản ứng không phù hợp, hay nói cách khác, vấn đề này đã bị bỏ mặc quá lâu. Nếu nền kinh tế Ðức không tăng trưởng trở lại vào năm 2025 thì đó sẽ là năm thứ tư liên tiếp kinh tế trì trệ, điều chưa từng xảy ra trước đây trong lịch sử nước Ðức.
Thủ tướng Scholz đã phản ứng quá muộn trước cuộc khủng hoảng cơ cấu này. Ông chẳng những không chịu thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình trong thời gian quá dài mà còn tiếp tục mê mải nói về “phép màu kinh tế xanh” và coi nhẹ những lời phàn nàn của doanh nghiệp, cho rằng đó là “bài ca muôn thủa”. Chỉ khi hàng chục nghìn việc làm trong tập đoàn ô tô mang tính biểu tượng của Ðức - Volkswagen - bị đe dọa, ông mới thức tỉnh và tuyên bố chính sách kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù không còn nghi ngờ gì về việc cựu Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (đảng FDP), người bị Thủ tướng Scholz cách chức tối 6-11, phải chịu trách nhiệm chính khiến chính phủ “đèn giao thông” sụp đổ, nhưng yêu cầu cốt lõi mà lãnh đạo FDP này đã đưa ra không hề sai: lẽ ra chính phủ phải nỗ lực nhiều hơn để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Ðiều đáng lưu ý, chính phủ “đèn giao thông” đã hai lần lao đao trong 3 năm tồn tại: một lần do chiến tranh Ukraine bùng nổ và lần thứ hai do phán quyết về ngân sách của Tòa án Hiến pháp Liên bang. Cả hai lần Thủ tướng Scholz đều thất bại trong việc đưa liên minh ổn định trở lại.
Nước Ðức đã mất đi thời gian quý báu do chính phủ liên minh ngày càng hoạt động kém hiệu quả, trong khi ở bên kia bờ Ðại Tây Dương, tỉ phú Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới với những chính sách mới được dự báo siết chặt hơn với các đối tác, có thể đồng nghĩa với sự trở lại của các biện pháp thuế quan trả đũa, một tin xấu đối với ngành công nghiệp ô tô Ðức. Trong khi đó, Trung Quốc đang trên đường trở thành cường quốc công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Ðức.
Ðức cũng phải đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm. Tháng 11 vừa qua, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2025. Trong bối cảnh đó, sóng gió trên chính trường Ðức trở thành “tin xấu”. Theo nhận định của chuyên gia Sophie Pornschlegel thuộc Trung tâm Jacques Delors, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin: “Ðiều chúng ta cần trong thời kỳ khủng hoảng và bất ổn địa chính trị là có một ban lãnh đạo mạnh mẽ và ổn định”, trong khi thời gian tới, Chính phủ Ðức có thể sẽ kiềm chế trong việc đưa ra các quyết định chính sách táo bạo. Quá trình thành lập liên minh sau bầu cử có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí theo nhiều dự báo, người Ðức không thể hy vọng có một chính phủ mới trước tháng 6-2025.
THU HẰNG (TTXVN)