Theo giới chuyên môn, những diễn biến chóng vánh tại Syria đang thay đổi bối cảnh địa chính trị Trung Đông, trong đó ảnh hưởng của Iran và các đồng minh hiện bị thách thức so với một Thổ Nhĩ Kỳ dần khẳng định vị thế như siêu cường ở khu vực.
Ông Hadi Al-Bahra, Chủ tịch Liên minh quốc gia các lực lượng đối lập và cách mạng Syria (NKORS), phát biểu trong một cuộc báo tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-12. NKORS là tổ chức chính trị lãnh đạo các phe phái quân sự lật đổ chính quyền Assad. Ảnh: Anadolu
Ngày 9-12 đánh dấu giai đoạn mới với người dân Syria khi liên minh nổi dậy do nhóm Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đánh chiếm thủ đô Damascus và lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, chấm dứt 13 năm nội chiến tàn khốc cũng như hơn 50 năm cầm quyền của gia đình ông Assad. Việc nhà lãnh đạo từng được Iran và Nga ủng hộ nhanh chóng thất thủ trước phe đối lập Hồi giáo dòng Sunni do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đồng thời buộc những thế lực chính trong khu vực cùng các bên liên quan suy xét về cán cân quyền lực đang định hình lại, bên cạnh câu hỏi về khả năng thiết lập “Đại Trung Đông” hay còn gọi “Trung Đông mới”.
Theo thuật ngữ trên, Trung Đông rộng lớn bao gồm thế giới Arab cùng với Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ; đôi khi cả vùng Kavkaz và Trung Á. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski từng đánh giá tương lai Trung Đông mở rộng cũng giống “Balkan toàn cầu”, là đòn bẩy kiểm soát khu vực Âu - Á. Nhưng trong bối cảnh bất ổn hiện nay, việc “Balkan hóa” sự kiện ở Syria theo các đường lối dân tộc và tôn giáo có thể khuyến khích những nhóm khác trong khu vực nổi dậy chống lại chính phủ với lý do theo đuổi quyền tự chủ, dẫn đến chia rẽ sâu sắc và kéo dài xung đột trên khắp khu vực.
Sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ
Trước hết với Iraq và Lebanon, kịch bản trên có thể làm trầm trọng thêm nền chính trị - kinh tế mong manh ở 2 quốc gia vốn đối mặt nguy cơ dòng người tị nạn leo thang, gia tăng bạo lực xuyên biên giới và căng thẳng giáo phái.
Kế đến là Iran, bên được xem chịu thiệt hại nhiều nhất. Là một trong những đồng minh quan trọng của Tehran, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad diễn ra ở thời điểm giao tranh giữa Israel với các lực lượng Hamas và Hezbollah thân Iran ngày càng ác liệt. Diễn biến này khiến ảnh hưởng của Tehran bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí dễ bị tổn thương hơn trước kịch bản xung đột trực tiếp với Israel. Để bù đắp những tổn thất ở Syria và Lebanon, giới quan sát dự đoán Tehran có thể tiến vào Nam Kavkaz bằng cách lập liên minh với Armenia. Song, tham vọng đó có thể vấp phải trở ngại từ các nước phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện Ankara đã kiểm soát hiệu quả một dải lãnh thổ ở miền Bắc Syria; đồng thời cho triển khai lực lượng đặc nhiệm, đơn vị pháo binh và dân quân tới các vị trí chiến lược dọc biên giới với Syria. Nhiều quan chức Mỹ lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh chuẩn bị chiến dịch tiến công xuyên biên giới, đặt ra thách thức lớn hơn cho Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang đấu tranh giành quyền tự chủ. SDF do nhóm thiểu số người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hỗ trợ thông qua quan hệ hợp tác tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo lời một phát ngôn viên của SDF, họ đang bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bao vây trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ làm trung gian cũng bị đổ vỡ.
Việc Ankara nắm thế thượng phong với các đối tác và đồng minh nắm giữ quyền lực ở Damascus có thể tạo thêm áp lực cho mối quan hệ của họ với Nga, vốn đang mất tập trung trước gánh nặng cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu nhìn xa hơn, với quan điểm “phương Tây đáng tin và Nga cũng đáng tin như vậy” lâu nay, giới quan sát dự đoán quan hệ Ankara và Mát-xcơ-va gần như sẽ không thể lay chuyển nhằm đảm bảo lợi ích khu vực của họ tiếp tục được bảo vệ.
“Cơ hội lớn” cho Israel
Cùng với sự lớn mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ, giới quan sát cho rằng Nhà nước Do Thái cũng đang nắm vị thế chiến lược khi sự rời đi của Tổng thống Assad làm gián đoạn cái gọi là “trục kháng cự” do Iran hậu thuẫn tại khu vực. Trong nhiều năm, Syria giữ vị trí trung tâm trên tuyến đường vận chuyển vũ khí (trên đất liền lẫn hàng không) từ Iran cho Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và phiến quân Houthi ở Yemen. Việc tuyến cung cấp này bị hạn chế có thể tác động đến nỗ lực tái thiết năng lực quân sự của các lực lượng ủy nhiệm, làm xói mòn khả năng ứng phó hiệu quả của Iran trước thách thức địa chính trị. Bối cảnh này, theo các nhà chuyên môn, có thể thúc đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân và đặt ra thách thức lớn hơn cho Israel.
Nhưng trước mắt, sự chia cắt giữa các phe phái dân tộc và tôn giáo ở Syria đang làm giảm tập trung của khu vực vào Israel, tạo không gian cho nước này theo đuổi các mục tiêu chiến lược rộng lớn. Đầu tiên là cơ hội hợp tác mới với các đối tác như Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thậm chí là Saudi Arabia.
Kế đến là cơ hội để Tel Aviv củng cố và mở rộng lãnh thổ. Trong phát biểu hồi tháng 8, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng đánh giá Israel “quá nhỏ bé” trên bản đồ thế giới và tự hỏi có cách nào mở rộng thêm hay không? Tuyên bố đó vô lý theo bất kỳ định nghĩa nào, nhưng được các chính trị gia Israel hoan nghênh khi coi đây là “đèn xanh” cho các cuộc sáp nhập tiếp theo. Không nói đâu xa, ngay sau khi chế độ Tổng thống Assad sụp đổ, Tel Aviv đã tiến vào một số vùng đất rộng lớn của Syria, thậm chí vươn tới tận tỉnh Quneitra cách thủ đô Damascus chưa đầy 20 km. Trên Cao nguyên Golan, vốn là một phần của Syria nhưng bị Israel chiếm đóng 70% lãnh thổ sau Chiến tranh năm 1967, chính phủ nước này tuyên bố phê duyệt kế hoạch tăng gấp đôi dân số tại các khu tái định cư bất hợp pháp.
Giới phân tích cảnh báo, những gì đang diễn ra ở Syria chính là hình mẫu cho kịch bản tiếp theo ở Bờ Tây những tháng tới. Trong đó, hành động sáp nhập Bờ Tây vào thời điểm Palestine và toàn bộ khu vực đang trong tình trạng hỗn loạn là “công thức” dẫn tới chiến tranh triền miên. Rõ ràng, các xung đột tồi tệ chưa tửng có và hỗn loạn vừa qua tại khu vực lại là “cơ hội lớn” giúp Israel lớn mạnh hơn về lãnh thổ và vị thế chính trị tại khu vực.
Trục quyền lực mới ở Trung Đông
Sự sụp đổ của chính quyền al-Assad đã khiến Nga và Iran thất thế ở Syria nhưng đang tạo ra một trục quyền lực mới từ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, 2 nước vốn đứng bên lề trong cuộc nội chiến trước đây tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ từng chứa chấp các tay súng HTS và hỗ trợ họ lật đổ chế độ ông al-Assad, trong khi Qatar là nước duy nhất công nhận HTS là đại diện hợp pháp của chính quyền Syria và có đại sứ quán ở Doha. Vì thế, 2 nước này đã nhanh chóng mở lại đại sứ quán tại Damascus ngay sau khi chế độ Assad sụp đổ. Các nước Arab khác, Mỹ, EU và cả Liên Hiệp Quốc đều phải nhờ cậy Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar để tiếp xúc với chính quyền lâm thời Syria.
Theo dự báo, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar sẽ đóng vai trò chủ chốt cả về chính trị - ngoại giao lẫn kinh tế - quân sự trong quá trình tái thiết đất nước Syria mới. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa hàng triệu người tị nạn Syria về nước và hợp thức hóa các căn cứ quân sự tại miền Bắc nước này. Qatar được cho sẽ hỗ trợ tài chính trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vật liệu và triển khai xây dựng các khu định cư cho người Syria trở về.
Tham vọng của Ankara và Doha là xây xựng các đảng chính trị Hồi giáo và phong trào dân chủ tại Syria như là hình mẫu cho thế giới Arab, điều mà họ từng thúc đẩy trong cuộc cách mạng “mùa quân Arab” vốn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các vương quốc vùng Vịnh.
Riêng mỗi nước, Qatar một lần nữa muốn chứng tỏ họ luôn là nhà trung gian kiến tạo hòa bình và đóng vai trò chủ động trên bàn cờ chính trị Trung Đông. Với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Erdogan muốn định vị cá nhân ông như một nhà lãnh đạo thực tế của thế giới Hồi giáo và muốn đất nước này là một trong những thế lực thống trị khu vực.
Nhưng ông Erdogan, vốn đối đầu với Israel trong vấn đề Dải Gaza, nhà nước Palestine và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, chắc chắn sẽ bảo vệ chính quyền mới ở Syria trong vấn đề Cao nguyên Golan. Tranh chấp ở Syria có thể nổi lên một cặp đối thủ địa chính trị mới Thổ Nhĩ Kỳ - Israel. Mỹ có lẽ sẽ nỗ lực dàn xếp cho 2 đồng minh này của mình.
Nga hiện có 2 căn cứ quân sự trên bờ Địa Trung Hải thuộc khu vực miền Tây Syria với khoảng 3.000 binh sĩ, gồm căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim gần thành phố cảng Latakia. Trong khi đó, Mỹ có khoảng 900 binh lính được triển khai ở vùng Đông Bắc và Đông Nam Syria.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)