13/05/2025 - 09:26

Góp phần nâng cao giá trị khoai lang 

Anh Nguyễn Thanh Việt (42 tuổi, ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã bén duyên với những củ khoai lang Vĩnh Long từ rất lâu, để rồi cho ra đời nhiều sản phẩm được chế biến sâu, giá trị từ đó được nâng cao lên rất nhiều.

Từng là một giảng viên một trường đại học, với công việc ổn định và tương lai rộng mở, nhưng anh Việt đã chọn một lối đi đầy thử thách khi rời bỏ bục giảng để bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ khoai lang từ năm 2018. Một quyết định không dễ dàng, nhưng lại mở ra một câu chuyện thành công - truyền cảm hứng về sự đổi mới trong nông nghiệp và giá trị của việc “làm nông kiểu mới”.


Anh Nguyễn Thanh Việt giới thiệu nhiều sản phẩm được chế biến từ khoai lang tại một sự kiện triển lãm.

 

Khoai lang vốn là nông sản chủ lực tại Vĩnh Long, thế nhưng trong nhiều năm, đầu ra chủ yếu vẫn là khoai tươi với giá trị kinh tế không cao, dễ rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Nhìn thấy tiềm năng lớn từ loại nông sản giàu dinh dưỡng này, anh Việt đã quyết định tìm cách nâng tầm giá trị cho củ khoai lang bằng cách phát triển các sản phẩm chế biến sâu. Từ đây, con đường khởi nghiệp của anh bắt đầu với vô vàn khó khăn nhưng cũng đầy khát vọng. “Nhiều lần đi công tác về vùng đất Bình Tân, nơi được mệnh danh là “vương quốc khoai lang” của tỉnh Vĩnh Long, tôi cứ trăn trở với hình ảnh bà con nông dân một nắng hai sương nhưng giá nông sản lại trồi sụt thất thường, có khi giá khoai tụt dốc thê thảm khiến chủ ruộng lao đao. Từ đó, tôi bắt tay vào nghiên cứu thêm những sản phẩm chế biến từ khoai lang”, anh Việt kể.

Với tư duy và kiến thức nền tảng vững chắc, anh Việt đã nghiên cứu kỹ quy trình chế biến và bảo quản nông sản, thử nghiệm nhiều công thức khác nhau để tạo ra các sản phẩm chất lượng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Những sản phẩm đầu tiên ra đời như bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang… không chỉ giữ được hương vị tự nhiên mà còn có bao bì đẹp mắt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được phân phối ra nhiều đại lý trong cả nước. Sự mới mẻ và chất lượng đã giúp sản phẩm của anh Việt nhanh chóng chiếm được cảm tình từ thị trường. Các kênh bán hàng online, siêu thị địa phương, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh đều ghi nhận tín hiệu tích cực.

Không dừng lại ở thành công cá nhân, anh Việt còn tích cực hỗ trợ bà con nông dân địa phương trong việc tiêu thụ khoai lang. Nhờ mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, anh vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ðây cũng chính là triết lý phát triển bền vững mà anh theo đuổi: “Khởi nghiệp không chỉ để làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần làm giàu cho quê hương”.

Hiện tại, anh Việt đã thành lập công ty và có 6 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có các sản phẩm tiêu biểu như bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, bánh nướng từ ngũ cốc, vỏ bưởi sấy… Bên cạnh các sản phẩm bánh, anh Việt còn thử nghiệm các dòng khoai lang sấy với nhiều hương vị độc đáo như mật ong, hành ớt, rong biển, BBQ… Mục tiêu không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mà còn hướng tới mở rộng ra quốc tế, nhằm quảng bá và nâng cao giá trị của khoai lang Vĩnh Long.

Câu chuyện của anh Việt là minh chứng sinh động cho tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp lĩnh vực vốn bị xem là truyền thống, ít hấp dẫn với người trẻ. Nhưng với sự dũng cảm, bản lĩnh và khát vọng cống hiến, anh đã chứng minh chỉ cần có ý tưởng, quyết tâm và một chút liều lĩnh thì ngay cả củ khoai lang, tưởng chừng quá đỗi quen thuộc cũng có thể trở thành “vàng tím” nếu biết cách khai thác đúng hướng.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết