(TTXVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 12-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp sáng 12-5. Ảnh: DOÃN TẤN - TTXVN
Theo các Tờ trình, Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu cử vào ngày Chủ Nhật 23-5-2021; kỳ họp thứ nhất của Quốc hội được khai mạc ngày 20-7-2021 và HÐND các cấp cũng được khai mạc vào khoảng thời gian này. Như vậy, theo các quy định của pháp luật trên, đến ngày 20-7-2026, Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất là ngày 24-5-2026, Quốc hội khóa XVI, HÐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.
Tuy nhiên, căn cứ chủ trương của Ðảng, yêu cầu thực tiễn cho thấy, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Ðại hội Ðảng toàn quốc và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HÐND khóa mới. Việc này để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội; giúp cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIV và Ðại hội Ðảng các cấp.
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, để thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 11, sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật, ngày 15-3-2026 là phù hợp với các yêu cầu thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết.
Ðể rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội, HÐND với mục tiêu nêu trên, nhưng vẫn có đủ thời gian thực hiện các thủ tục, quy trình trong công tác bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4-2026 (thay vì tháng 7-2026).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội việc quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, dự kiến vào ngày 15-3-2026.
* Giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày
Cũng trong phiên họp sáng 12-5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND.
Theo Tờ trình và báo cáo thẩm tra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND được xây dựng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án Luật.
Hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.
Chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã có chỉ đạo rõ của cấp có thẩm quyền; những vấn đề cấp thiết xuất hiện trong thực tế để cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương Ðảng và kịp thời khắc phục một số bất cập đã được tổng kết trong triển khai Luật Bầu cử thời gian qua…
Dự thảo Luật đã lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến HÐND cấp huyện; rà soát, sửa đổi, bổ sung 47/98 điều của Luật hiện hành; phạm vi sửa đổi không quá 1/2 tổng số điều; sửa đổi các quy định nhằm điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đa số ý kiến tán thành với việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày.
* Thời gian còn lại của phiên thảo luận sáng 12-5, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
VIỆT ĐỨC
Cân nhắc kéo dài thời gian miễn thuế đối với dự án phát triển công nghệ, chuyển đổi số
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV góp ý hoàn thiện quy định thu nhập được miễn thuế, tại khoản 4 Ðiều 4 dự thảo luật quy định: Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm".

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ. Ảnh: Quochoi.vn
Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Ðào Chí Nghĩa - Ðoàn ÐBQH TP Cần Thơ, cho rằng, quy định thời gian miễn thuế như vậy là ngắn. Thời gian miễn thuế tối đa là 3 năm có thể không đủ để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp công nghệ cao đạt được lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bởi, các dự án nghiên cứu và phát triển thường mất nhiều năm để hoàn thiện và thương mại hóa.
Hơn nữa, dự thảo Luật chưa nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là “sản phẩm công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam” hoặc “sản phẩm sản xuất thử nghiệm”. Ðiều này có thể dẫn đến tranh cãi hoặc lạm dụng chính sách miễn thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm phần lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, có thể không đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu chứng minh hoạt động nghiên cứu và phát triển, làm giảm tính tiếp cận của chính sách. Do đó, đại biểu Ðào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kéo dài hơn thời gian miễn thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn hoặc thuộc lĩnh vực ưu tiên. Ðồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá và quy trình xác nhận để đảm bảo tính minh bạch và dễ áp dụng.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Ðoàn ÐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là chưa đủ, chưa đảm bảo khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học công nghệ; do vậy cần thiết kéo dài thời gian miễn thuế, có thể kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm.
Quochoi.vn